Mỹ thúc đẩy hợp tác với Nhật để đối phó tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Chính phủ Mỹ đang có ý định đề nghị đồng minh Nhật Bản hợp tác đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bằng cách cho phép triển khai hệ thống radar cố định cỡ lớn tại Nhật Bản.
Mỹ thúc đẩy hợp tác với Nhật để đối phó tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Chính phủ Mỹ đang có ý định đề nghị đồng minh Nhật Bản hợp tác đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bằng cách cho phép triển khai hệ thống radar cố định cỡ lớn tại Nhật Bản để tăng cường khả năng đánh chặn đối với các loại tên lửa ICBM nhằm vào nước Mỹ.

Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) dẫn một số nguồn tin quan hệ Nhật-Mỹ cho biết Washington sẽ sớm thăm dò thái độ của Tokyo và muốn thúc đẩy sớm các cuộc đàm phán về kế hoạch này. Lý do được Mỹ đưa ra là nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng ICBM nhằm vào nước Mỹ từ các nước đối đầu như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Dự kiến, loại radar mà Mỹ lên kế hoạch triển khai tại Nhật Bản là hệ thống radar thế hệ mới với tên gọi HDR (hệ thống radar phòng thủ nội địa). Hệ thống này có thể bám đuôi các loại ICBM nhằm vào lãnh thổ Mỹ, gồm cả Hawaii và đảo Guam, từ các địa điểm rất gần với điểm bắn. Ngoài ra, HDR cũng được sử dụng để giám sát việc tấn công vệ tinh nhân tạo hay rác vũ trụ. Những dữ liệu mà hệ thống HDR thu thập được sẽ được chia sẻ chung với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

HDR là hệ thống radar mà quân đội Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tại Hawaii từ năm 2023. Nếu thuyết phục được Nhật Bản, hệ thống HDR cũng sẽ được triển khai tại Nhật Bản từ năm 2025. Khi đó, hai hệ thống HDR tại Hawaii và Nhật Bản sẽ được kết nối để tăng cường phạm vi hiệu quả.

Hiện Mỹ đang sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa GMD để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ. Một số tên lửa được bố trí tại Alaska và California sẽ được lệnh đánh chặn sau khi nhận được thông tin từ hệ thống radar theo dõi. Tuy nhiên, những năm gần đây do Trung Quốc đã phát triển loại ICBM với các bệ bắn cơ động nên việc nắm bắt các dấu hiệu về cuộc tấn công bằng tên lửa trở nên khó khăn hơn trước.

Để đánh chặn hiệu quả thì cần thiết phải nắm được thông tin chính xác trong một thời gian ngắn sau khi tên lửa của đối phương phát hỏa. Do đó, cần phải có hệ thống radar có thể bám đuôi tên lửa đối phương từ các địa điểm gần với điểm phát hỏa thì mới có thể có được lượng thông tin chính xác và cần thiết.

Trong chiến lược phòng thủ tên lửa (MDR) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố hôm 17/1, có chỉ ra nguy cơ Mỹ có thể bị Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên tấn công bằng tên lửa ICBM, do đó xác định Mỹ phải tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa. Việc phát triển hệ thống radar HDR cũng là một bước đi trong nỗ lực phòng thủ của Mỹ.

Đến nay, quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống radar di động TPY2 tại tỉnh Aomori và Kyoto (đều thuộc Nhật Bản) để theo sát các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn hơn so với ICBM. Tuy nhiên, nếu triển khai radar HDR thì cần tới một khu đất cố định để lắp đặt hệ thống này, ngoài ra nó cũng sẽ ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh với lượng sóng điện từ phát ra. Vì vậy, Tokyo cũng sẽ đợi Washington đưa ra đề xuất chính thức rồi mới nghiên cứu một cách thận trọng kế hoạch này.

Nhật Bản cũng đã quyết định triển khai 2 tổ hợp đánh chặn tên lửa mặt đất thế hệ mới Aegis Ashore để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên. Theo kế hoạch, 2 tổ hợp Aegis Ashore sẽ được lắp đặt tại 2 tỉnh là Akita và Yamaguchi và sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2025. Tuy nhiên, chính quyền và người dân 2 tỉnh này đến nay vẫn phản đối quyết liệt kế hoạch của chính phủ. Do đó, Tokyo sẽ rất khó xử khi kế hoạch của Mỹ được đưa ra vào thời điểm hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục