Mỹ thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/5 đã có cuộc gặp các nhà lãnh đạo Cộng hòa Cyprus nhằm thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus.
Mỹ thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus ảnh 1Ông Joe Biden (giữa) và Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades (trái) cùng lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu. (Nguồn: AP)

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/5 đã có cuộc gặp các nhà lãnh đạo Cộng hòa Cyprus nhằm thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus - vấn đề chính trị phức tạp kéo dài gần 40 năm qua tại quốc đảo Địa Trung Hải này.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ tới nước này kể từ năm 1962 tới nay.

Ông Biden đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Cyprus được quốc tế thừa nhận Nicos Anastasiades.

Tổng thống Anastasiades đã đề nghị Mỹ giúp đỡ Cyprus trong việc khai thác khí đốt ngoài khơi đảo quốc này, kể từ khi hoạt động khai thác phục vụ xuất khẩu sang châu Âu bị ảnh hưởng do sự chia rẽ và tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó cùng ngày, Phó Tổng thống Biden cũng đã có cuộc gặp với lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu.

Hiện nhà nước ly khai của ông Eroglu chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận.

Phó Tổng thống Mỹ khẳng định rằng chuyến thăm và các cuộc gặp gỡ lần này của ông không làm thay đổi lập trường chính trị của Mỹ là chỉ công nhận một chính phủ hợp pháp tại Cyprus do ông Anastasiades lãnh đạo.

Mỹ luôn ủng hộ thúc đẩy việc đạt được các giải pháp xây dựng lòng tin giữa cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, tiến tới tái thống nhất đảo Cyprus.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ vấn đề tái thống nhất Cộng hòa Cyprus nhận được sự quan tâm của Mỹ vì một Cyprus thống nhất sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa hai thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hy Lạp và Thổ Nhỹ Kỳ, tăng cường sự gắn kết trong khối và ngăn ngừa nhân tố tiềm ẩn gây bất ổn trong khu vực...

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc hòn đảo này và lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus" nhưng không được quốc tế công nhận.

Trong khi đó, Nhà nước Cộng hòa Cyprus quản lý phần lãnh thổ phía Nam hòn đảo được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Liên hợp quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Cyprus gốc Hy Lạp tại miền Nam bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2004./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục