Ngày 11/7, các quan chức Mỹ cho biết một tên lửa đánh chặn được phóng từ tàu Hải quân của Mỹ đã bắn trúng và phá hủy một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đang bay.
Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện thử nghiệm đánh chặn tên lửa kiểu này nhằm đánh giá năng lực phòng thủ chống ICBM có khả năng tấn công nước Mỹ.
Trong những lần thử nghiệm trước, quân đội Mỹ thường sử dụng các tên lửa đánh chặn phóng đi từ hầm ngầm dưới mặt đất đặt trong lãnh thổ của mình.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Jon Hill, đồng thời là Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc, đơn vị đã tiến hành thử nghiệm tên lửa, đánh giá kết quả này là "một thành tựu đáng kinh ngạc và là cột mốc quan trọng" đối với chương trình phát triển khả năng phòng thủ tên lửa.
[Vũ khí siêu vượt âm đang thách thức hệ thống cảnh báo của Mỹ]
Ông cho biết việc phóng một tên lửa từ tàu chiến này, nếu được tăng cường các hệ thống có khả năng phát hiện và theo dõi hành trình bay của tên lửa đối phương, có thể tạo ra "lá chắn" an toàn trước các mối đe dọa từ tấn công bằng tên lửa.
Trong cuộc thử nghiệm của Lầu Năm Góc, phiên bản mới nhất của tên lửa Aegis SM-3 đã được phóng đi từ một tàu khu trục của Hải quân Mỹ nằm ở Thái Bình Dương, phía Đông Bắc Hawaii.
Mục tiêu của tên lửa này là một ICBM giả đã được phóng từ đảo san hô Kwajalein thuộc quần đảo Marshall.
Tuy nhiên, tên lửa mục tiêu không được trang bị các hệ thống phức tạp thuộc loại mà tên lửa đánh chặn của Mỹ có thể phải đối mặt trong một cuộc tấn công thực sự./.