"Mỹ thụ động trước việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông"

Theo tờ Thời báo Washington, giới chức lãnh đạo Mỹ phải chứng tỏ sự quyết tâm mới trong việc củng cố tính thượng tôn pháp luật trên vùng Biển Đông.
"Mỹ thụ động trước việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông" ảnh 1Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. (Nguồn: Getty Images)

Hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua là nguy hiểm, đe dọa tới lợi ích sống còn của Mỹ đối với tự do thương mại tại Biển Đông. Đây là sự thất bại của chính sách xoay trục sang châu Á của Chính quyền Mỹ.

Bài báo có tựa đề "Thách thức của Trung Quốc đối với quyền lực của Mỹ tại châu Á sẽ là phép thử cho Tổng thống kế nhiệm" đăng trên tờ Thời báo Washington ngày 10/3 cho rằng Trung Quốc luôn thách thức trật tự thế giới do Mỹ thiết lập, nổi bật là các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm phá vỡ luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã xây 7 hòn đảo nhân tạo tại Trường Sa cùng với nhiều dự án cơ sở hạ tầng gồm đường bay dài 3 km và cảng nước sâu. Bắc Kinh cũng cho thử nghiệm đường bay trên đá Chữ Thập và triển khai hệ thống tên lửa tối tân tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Để bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh, đối tác trong khu vực, bài báo cho rằng Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới cần có chính sách thiết thực hơn thay vì chỉ đưa ra các phản ứng đơn thuần đối với Trung Quốc. "Đường chín đoạn" của Bắc Kinh là trái với luật pháp quốc tế và cần phải duy trì sự ổn định trên cơ sở luật pháp để đấu tranh với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới cần tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với đồng minh, đối tác; tăng cường điều chuyển máy bay và tàu hải quân để khẳng định tự do hàng hải; đẩy mạnh can dự vào các liên kết hàng hải để bảo vệ an toàn cho các hoạt động đánh bắt và các rạn san hô ở khu vực tranh chấp. Giới chức lãnh đạo Mỹ phải chứng tỏ sự quyết tâm mới trong việc củng cố tính thượng tôn pháp luật trên vùng Biển Đông đang tồn tại tranh chấp và duy trì cam kết đối với ổn định, tự do hàng hải, tự do thương mại và sự tiếp cận toàn diện của Mỹ với khu vực Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục