Mỹ: Thỏa thuận nâng trần nợ công đối mặt với thử thách tại Quốc hội

Thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công của Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc thông qua tại Quốc hội trước khi chính phủ nước này hết tiền trang trải các chi phí vào tuần tới.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số nghị sỹ Cộng hòa của Mỹ ngày 29/5 cho biết họ sẽ phản đối thỏa thuận nâng trần nợ công.

Đây là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công của Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc thông qua tại Quốc hội trước khi chính phủ nước này hết tiền trang trải các chi phí vào tuần tới.

Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.

[Thỏa thuận về trần nợ là nhân tố tiêu cực với thị trường tài chính]

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD trong hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng 1% chi tiêu an ninh trong tài khóa 2025.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, cho rằng thỏa thuận sơ bộ này không đủ để làm thay đổi đường hướng tài khóa.

Phát biểu với kênh Fox News, ông nhận định: “Sau thỏa thuận này, nước Mỹ sẽ vẫn trên đà hướng đến nguy cơ vỡ nợ.”

Thỏa thuận trên sẽ đối mặt với thử thách đầu tiên vào ngày 30/5, khi Ủy ban các quy định Hạ viện thảo luận về dự luật này. Đây là bước đầu tiên cần thiết trước khi tiến hành bỏ phiếu ở toàn bộ Hạ viện.

Một trong số các nghị sỹ bảo thủ tại ủy ban này, ông Chip Roy, ngày 30/5 cho biết ông sẽ không ủng hộ dự luật trên.

Trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân, ông cho rằng đây không phải là một thỏa thuận tốt, khi nước Mỹ sẽ phải gánh thêm khoảng 4.000 tỷ USD nợ công để đổi lại việc đóng băng chi tiêu trong hai năm và không có cải cách chính sách đáng kể nào.

Một thành viên khác của ủy ban này là ông Ralph Norman cũng đã không khai phản đối thỏa thuận trên. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngày 29/5, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông không lo ngại gì về triển vọng của dự luật này tại ủy ban nói trên.

Ông Raul Grijalva, một nghị sỹ Dân chủ tiến bộ tại Hạ viện, cho rằng những thay đổi trong các quy định về môi trường của dự luật này “rất đáng lo ngại và gây thất vọng.”

Ông Grijalva đang muốn nói đến một nội dung trong dự luật đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự an năng lượng.

Còn tại Thượng viện, nghị sỹ Cộng hòa Mike Lee cũng lên tiếng phản đối thỏa thuận trên. Điều này có thể báo hiệu cho một cuộc bỏ phiếu khó khăn tại Thượng viện, nơi mà bất cứ thành viên nào cũng có thể trì hoãn tiến trình trong nhiều này. Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ 51-49./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục