Mỹ thay đổi tâm lý chính sách và cách thức ứng phó của Trung Quốc

Báo cáo Cập nhật tình hình Trung Quốc năm 2018 nhận định, “Trạng thái tâm lý ở Washingon đã thay đổi từ việc can dự với Trung Quốc sang bao vây nước này”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang Diễn đàn Đông Á của Australia mới đăng bài viết của Peter Drysdale, Giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế Đông Á của trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, về cách ứng phó của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Nội dung bài viết như sau:

Hệ thống thương mại toàn cầu hiện đã bước vào thời kỳ không ổn định: chế độ thương mại dựa trên các quy tắc đa phương đang bị tấn công và trật tự kinh tế tự do lâu nay là nền tảng của tăng trưởng thương mại và thịnh vượng toàn cầu đang bị đe dọa bởi chính kiến trúc sư trưởng của nó, nước Mỹ. Ứng phó của Trung Quốc đối với sự bất định này có vai trò quan trọng hơn cả.

Một số người cho rằng những khó khăn trong chính sách kinh tế quốc tế mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay xuất hiện từ khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Suy nghĩ này là quá đơn giản. Những khó khăn hiện nay là hậu quả của những cú sốc lớn đối với hệ thống kinh tế và thương mại do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra cũng như của những thay đổi cơ cấu dài hạn trong nền kinh tế thế giới đã từng làm rung chuyển cả hệ thống.

Những thay đổi này bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự tham gia của nước này trong hệ thống toàn cầu. Ngay ở Bắc Mỹ, cũng có những vấn đề về cơ cấu mang tính dài hạn là nguồn gốc của sự phân phối không công bằng những thành quả của thương mại quốc tế mà dựa trên đó Tổng thống Donald Trump đã xây dựng tuyên bố chính trị cho quá trình tranh cử tổng thống của mình.

Ông Trump và nhiều người ủng hộ đã quy kết Trung Quốc gây ra những bất ổn cho nước Mỹ, tuy nhiên phần lớn các bất ổn đó có tính cơ cấu và là do nước Mỹ tạo ra và chỉ có thể giải quyết bởi chính nước Mỹ.

Để giải quyết các vấn đề này cần có các cải cách thể chế và chính sách sâu sắc ở bên trong nước Mỹ, cần cách tiếp cận mới đối với chính sách xã hội, cũng như những thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế để mở rộng và củng cố hệ thống dựa trên các quy tắc.

Quan điểm cho rằng nước Mỹ không thu được những lợi ích khổng lồ từ thương mại quốc tế là không đúng; sự tăng trưởng thu nhập quốc dân của Mỹ lâu nay được thúc đẩy bởi các khoản thu từ thương mại.

Tuy nhiên, các chính sách và thể chế đối nội (y tế, giáo dục) không làm tốt việc phân phối các khoản thu này, khiến cho thu nhập của nhiều hộ gia đình không tăng thêm trong mấy chục năm qua. Tình hình này không thể thay đổi nhanh trong một nhiệm kỳ tổng thống mà cần đến cả một thế hệ để giải quyết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chiến tranh thương mại để gỡ lại những thiệt thòi mà ông cho rằng Mỹ đã phải gánh chịu từ các đối tác thương mại, chủ yếu là Trung Quốc.

Ông cho rằng chính họ đã gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ. Tất nhiên, không phải như vậy.

Thâm hụt thương mại của Mỹ là kết quả của việc Mỹ chi tiêu vượt quá những gì nước này kiếm được và bù đắp cho khoản chi "quá tay" đó bằng việc nhập khẩu vốn dưới hình thức này hay hình thức khác.

Còn những vấn đề trong các quy định về thương mại quốc tế (về đầu tư nước ngoài, thương mại công nghệ và kinh tế số) cần được thương thảo lại, nhưng chúng chỉ liên quan rất ít tới việc giải quyết những mất cân đối trong thương mại quốc tế.

Cuộc chiến thương mại của Trump chưa bắt đầu, nhưng nếu như nó chỉ là một chiến thuật đàm phán được thiết kế để thúc đẩy hệ thống thương mại tiến lên phía trước thì đó là một chiến thuật tốn kém và nhiều rủi ro. Những tuyên bố của ông Trump về chiến tranh thương mại khiến các thị trường tài chính hoảng sợ.

Việc cắt giảm thuế của ông Trump sẽ làm tăng chi tiêu, tăng thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua việc tăng mua sắm hàng hóa nhập khẩu.

Quan trọng hơn, chính sự chế giễu của ông Trump đối với các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới và nhận định sai lầm về các hạn chế thương mại là nguyên nhân của thâm hụt thương mại của Mỹ đã thổi bay niềm tin vào vai trò lãnh đạo chính sách thương mại của Mỹ, tiếp tay cho các nước khác trong việc phá hoại hệ thống thương mại hiện nay.

Tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu chỉ đứng sau Mỹ. Đối phó của Trung Quốc đối với hành động của Mỹ về thương mại mang ý nghĩa quan trọng.

[Trung Quốc vắt óc với câu hỏi: Tổng thống Donald Trump muốn gì?]

Theo nhận định của Yao Yang trong báo cáo Cập nhật tình hình Trung Quốc năm 2018, “Trạng thái tâm lý ở Washingon đã thay đổi từ việc can dự với Trung Quốc sang bao vây nước này”. Cạnh tranh công nghệ là vấn đề chủ yếu trong quan hệ Trung Quốc và Mỹ.

Lời biện hộ chủ yếu cho việc ông Trump tuyên bố chiến tranh thương mại, do được tư vấn sai, là Trung Quốc “ăn cắp” tài sản trí tuệ của Mỹ và “ép buộc chuyển giao công nghệ.”

“Các mức thuế có tính trừng phạt chỉ là sự khởi đầu cho cuộc chạy đua sắp tới trong cạnh tranh công nghệ. Trong những năm tới, có khả năng cao là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát các hoạt động mua bán và sáp nhập của các công ty Trung Quốc ở Mỹ.”

Các biện pháp chuyển giao công nghệ thông qua chính sách đầu tư lâu nay vẫn là một phần của chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp ở tất cả các nước “đi sau”, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Trung Quốc.

Trong quá khứ, Mỹ cũng đã từng sử dụng biện pháp này. Các nước hiện cũng áp dụng chính sách công nghiệp tương tự để thúc đẩy tiến bộ công nghệ.

Trong trường hợp của Trung Quốc, có thêm một yếu tố nữa là cáo buộc về “ăn cắp công nghệ” theo yêu cầu của nhà nước. Tất cả những vấn đề này cần được thương thảo và cần được thay đổi.

Nhưng để giải quyết chúng không thể là kiến nghị xóa bỏ hệ thống thương mại toàn cầu, mà cần ưu tiên cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư và xây dựng một cơ chế kinh tế số quốc tế trên có sở đa phương.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần nhận ra sự thay đổi trong tâm lý chính sách của Washington và xây dựng chiến lược mới để ứng phó với Mỹ. Cách thức ứng phó dài hạn đúng đắn là tiếp tục chính sách cải cách và mở cửa, chính sách đã đem lại tăng trưởng cao cho Trung Quốc trong 40 năm qua, và thể hiện cách ứng phó này bằng hành động tức thì.

Đối với phần còn lại của thế giới, đây là lúc chiến lược “chờ xem” không còn tác dụng, mà cần có cách ứng phó có tính chiến lược, nhất là từ các đối tác trong khu vực châu Á. Một mình Trung Quốc không thể tạo ra cách ứng phó đúng đắn.

Châu Á có lợi ích lớn trong hệ thống toàn cầu hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, với các nền kinh tế trong khu vực vận hành theo hệ thống mở, dựa trên các quy tắc không chỉ vì thịnh vượng kinh tế mà còn vì an ninh chính trị.

Một hệ thống dựa trên các quy tắc là yếu tố hết sức quan trọng trong việc bảo vệ an ninh kinh tế và rộng hơn là an ninh chính trị. Các nước châu Á cần đứng vững trước mối đe dọa đối với chế độ thương mại toàn cầu.

Sự tăng trưởng năng động của châu Á phụ thuộc chủ yếu vào việc tiếp tục chương trình nghị sự cải cách thương mại đã cam kết và khuyến khích củng cố và làm sâu sắc thêm hệ thống thương mại quốc tế mở dựa trên các quy tắc, trong đó Trung Quốc, các nền kinh tế Đông Nam Á và Ấn Độ giữ vai trò chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục