Mỹ thay đổi hướng tiếp cận trong ứng phó với dịch bệnh​ COVID-19

Nhà Trắng đang kỳ vọng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 28/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Mỹ ngay cả khi nhiều người dân mong muốn gác lại những nỗi lo lắng này để hướng tới cuộc sống bình thường mới.

Thủ đô Washington đã chứng kiến một loạt ca mắc COVID-19 trong các thành viên quốc hội và chính quyền, và số ca mắc trong thành phố nói chung cũng đang gia tăng.

Số ca mắc tại New York và các khu vực khác ở vùng Đông Bắc cũng đang tăng lên, với việc Philadelphia ngày 11/4 thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng trước đó.

[WHO thêm hai biến thể phụ mới của Omicron vào danh sách cần theo dõi]

Sự kết hợp giữa vaccine, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức.

Nhà Trắng đang kỳ vọng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại, thay vì các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa doanh nghiệp.

Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC ngày 11/4, ông Ashish Jha, điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, nhấn mạnh: "Chúng ta không cần phải để dịch COVID-19 điều khiển cuộc sống của mình nữa. Chúng ta hiện có rất nhiều liệu pháp được áp dụng rộng rãi cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn."

Phù hợp với cách tiếp cận mới này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vào cuối tháng 2 đã ban hành hướng dẫn mới, theo đó người dân không cần đeo khẩu trang trừ khi số ca mắc và nhập viện tăng lên rõ rệt.

Giáo sư y tế công cộng Leana Wen tại Đại học George Washington cũng nhận định không cần thiết phải khôi phục các biện pháp hạn chế để ngăn dịch lây lan nếu các bệnh viện không bị quá tải trở lại. 

Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cũng nhận định nước Mỹ đang trong thời điểm mà người dân sẽ phải sống chung với một mức độ virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cộng đồng.

Khi số ca mắc tăng lên, ông Fauci tin rằng mức độ nghiêm trọng sẽ không gia tăng, xét theo số ca cần nhập viện và tử vong.

Mặc dù vậy, ông Fauci cũng cảnh báo ngay cả khi các bệnh nhân mắc COVID-19 không phải nhập viện, nguy cơ mắc hội chứng "COVID kéo dài" ("Long COVID") có thể xảy ra như mệt mỏi và khó tập trung thậm chí vài tháng sau lần đầu tiên mắc bệnh.

Trong khi đó, điều phối viên Jha cũng lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều người Mỹ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm mũi tăng cường, vì vậy hậu quả vẫn còn khá lớn khi họ mắc bệnh.

Do đó, chính quyền muốn khuyến khích những người này tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xem đây là "giải pháp quan trọng hàng đầu" trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục