Mỹ thay đổi chiến lược đối với Nga sau bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này đặc biệt lo ngại về những sửa đổi có khả năng cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036.
Mỹ thay đổi chiến lược đối với Nga sau bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp ảnh 1Các thành viên Ủy ban bầu cử địa phương kiểm phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở một điểm bỏ phiếu tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính giới Nga đã có phản ứng chính thức sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bình luận tỏ ý quan ngại trước cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp của Nga diễn ra hôm 1/7.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: “Mỹ quan ngại về cuộc bỏ phiếu ở Nga. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về những sửa đổi có khả năng cho phép Tổng thống (Vladimir) Putin tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036.”

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về “các nỗ lực của chính phủ Nga nhằm thao túng kết quả trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, kể cả các tin tức về việc gây áp lực đối với cử tri, gây áp lực đối với những người phản đối sửa đổi và đối với các nhà quan sát độc lập.”

[Nga chính thức công bố nội dung bản Hiến pháp sửa đổi]

Không nêu ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Moskva thao túng kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, song bà Ortagus lưu ý rằng Mỹ phản đối mọi sửa đổi hiến pháp nhằm kéo dài nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo hiện tại ở các quốc gia, đặc biệt là trong trường hợp thiếu những điều kiện cần thiết đảm bảo quy trình dân chủ tự do và công bằng.

Cũng trong tuyên bố nêu trên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến vấn đề Ukraine và Crimea. Theo đó, Mỹ không hài lòng với việc chính quyền Nga đã tìm cách “tổ chức các cuộc bỏ phiếu trên lãnh thổ Ukraine ở Donetsk, Lugansk và Crimea, điều này càng nhấn mạnh rằng Nga trắng trọn coi thường sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước láng giềng.”

Bình luận về tuyên bố của phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh mỗi quốc gia đều có thẩm quyền đối chính sách đối nội, đối ngoại cũng như văn hóa, kinh tế của mình.

Mỹ thay đổi chiến lược đối với Nga sau bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp ảnh 2 Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những năm gần đây, ngay chính người Mỹ cũng thường nêu lên những luận điểm như không nên can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Thượng nghị sỹ Nga Konstantin Kosachev tuyên bố rằng việc bầu cử ở Nga không liên quan đến Mỹ. Ông Kosachev nói: “Mỹ tự cho mình là người soi xét dân chủ khắp thế giới, vì vậy họ không thể không phản ứng trước cuộc bỏ phiếu cho sửa đổi Hiến pháp ở Nga. Và đó là việc của họ, chẳng liên quan đến ai khác.”

Thượng nghị sỹ Nga khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào xác nhận có sự thao túng kết quả trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Nga.

Cùng quan điểm trên, Thượng nghị sỹ Aleksei Kondratyev khẳng định vai trò quan trọng của Tổng thống Vladimir Putin trong việc đảm bảo chủ quyền của nước Nga và phương Tây luôn cố tìm cách cản trở các quyết sách của nhà lãnh đạo Nga.

Ông Aleksei Kondratyev bình luận: “Trong các văn kiện mang tính học thuyết an ninh của Mỹ, Nga được gọi trực tiếp là đối thủ, trong khi Moskva luôn xem Mỹ là đối tác. Một cuộc chiến ủy nhiệm quy mô lớn đã được triển khai nhằm chống lại Nga. Cuộc chiến này diễn ra trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, ngoại giao.”

Đại biểu Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Anton Morozov khẳng định: “Nga là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, mọi thế lực bên ngoài không được phép can thiệp vào các tiến trình bầu cử của Nga, chứ đừng nói đến việc đánh giá những thay đổi mà sẽ đưa vào luật cơ bản của đất nước.”

Trong khi đó, Phó Trưởng đoàn đại biểu thuộc đảng Nước Nga thống nhất tại Duma Quốc gia Nga, ông Adalbi Shkhagoshev, cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp ở Nga buộc Mỹ phải thay đổi cách hành xử đối với Moskva.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Shkhagoshev: “Việc sửa đổi Hiến pháp Nga, sửa đổi ưu tiên của luật pháp quốc gia đối với các điều ước quốc tế và các quyết định của các cơ quan quốc tế đã tác động đến cách hành xử của Wasington đối với Moskva. Mỹ đã bắt đầu nói nhiều hơn về hợp tác với Nga.”

Theo ông Shkhagoshev, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ngày 2/7 từng nhấn mạnh việc về việc cần tương tác thường xuyên hơn với Nga đã chứng minh cho nhận định này.”

Ông Pompeo khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét lời mời Nga tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, đồng thời tuyên bố cần phải quy trách nhiệm cho người rò rỉ thông tin không tin cậy cho báo chí về việc Nga sẵn sàng trả tiền thưởng của phiến quân ở Afganistan giết hại lĩnh Mỹ tại đây.

Ông Shkhagoshev nói: “Những tuyên bố của ông Pompeo cho thấy Mỹ đang thay đổi chiến thuật và chiến lược của mình đối với Nga, bởi trong các sửa đổi hiến pháp có luận điểm rất quan trọng đó là ưu tiên luật pháp quốc gia đối với quốc tế. Với điều này, chúng tôi cho rằng Mỹ không thể không giao tiếp với Nga, trong khi đưa vào Hiến pháp những sửa đổi như vậy chúng tôi bảo vệ chủ quyền của mình và buộc họ (phương Tây) phải thực hiện các bước đi thích hợp.”

Theo ông Shkhagoshev, Washington hiểu rằng với tiềm năng của Nga trong chính trị quốc tế, chương trình nghị sự G7 có thể không diễn ra nếu thiếu Nga, bởi ở đó có những vấn đề mà không có Nga thì không thể giải quyết được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục