Nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tăng là nguyên nhân chính làm giảm mạnh mức chênh lệch trong cán cân xuất nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này trong tháng 10 đạt 192,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng Chín. Đây là mức tăng kỷ lục, chấm dứt ba tháng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ liên tục giảm.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 10 chỉ tăng 0,4%, đạt 233,3 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại trong cùng tháng chỉ còn 40,6 tỷ USD, giảm 5,4% so với mức thâm hụt 43 tỷ USD trong tháng trước đó.
Một diễn biến đáng chú ý trong cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ là kim ngạch xuất khẩu dầu tăng khá mạnh.
Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dầu của Mỹ tăng tới 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu dầu trong cùng kỳ giảm 11,1%, phản ánh chiều hướng Mỹ đang từng bước giảm bớt lệ thuộc vào nguồn dầu nhập từ nước ngoài.
Tính theo từng thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang 27 nước Liên minh châu Âu (EU) tăng 1,5%, nhưng nhập khẩu tăng tới 21,5% khiến Mỹ bị thâm hụt ở mức kỷ lục 14,3 tỷ USD.
Với Trung Quốc, mức thâm hụt buôn bán của Mỹ giảm nhẹ trong tháng 10 ở ngưỡng 28,9 tỷ USD, do kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 13,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu vẫn ở mức 41,9 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 10, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Các chuyên gia dự báo, với mức thâm hụt thương mại giảm hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý cuối cùng năm nay có thể tăng 3,1% so với 2,8% trong quý Ba, 2,5% trong quý Hai và 1,8% trong quý Một./.