Bộ Tài chính Mỹ ngày 11/8 (giờ địa phương) công bố báo cáo cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 2.540 tỷ USD trong 10 tháng kể từ đầu năm tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/10/2020).
Theo báo cáo trên, trong giai đoạn 10 tháng tính đến tháng 7/2021, nguồn thu liên bang của Mỹ đã tăng lên 3.300 tỷ USD, trong khi tổng chi tiêu tăng lên gần 5.900 tỷ USD.
Báo cáo được đưa ra một ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cơ sở hạ tầng, trong đó có khoản chi tiêu mới 550 tỷ USD cho đường, cầu, nước sạch và các dự án khác.
Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ ước tính rằng dự luật này sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang trong 10 năm tăng 256 tỷ USD, khi chỉ có hơn một nửa ngân sách chi cho cơ sở hạ tầng thu hồi được vốn.
[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD]
Trong khi đó, đảng Dân chủ đang thúc đẩy Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD dù không được đảng Cộng hòa ủng hộ nhằm hiện thực hóa phần lớn nội dung trong chương trình nghị sự về xã hội của Tổng thống Joe Biden.
Kế hoạch chi tiêu này chủ trương thúc đẩy tăng cường đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc trẻ em, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chính sách khí hậu.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Joe Manchin bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về kế hoạch ngân sách lớn của đảng Dân chủ, cho rằng kế hoạch này có thể đẩy nợ quốc gia lên mức cao kỷ lục.
Theo ước tính gần đây của Ủy ban ngân sách liên bang, cơ quan giám sát ngân sách, trên thực tế, hai kế hoạch chi tiêu nói trên sẽ buộc Mỹ phải vay trực tiếp gần 1.000 tỷ USD, nâng tổng khoản vay của Mỹ lên khoảng 2.900 tỷ USD trong 10 năm tới.
Nợ công của Mỹ sẽ tăng lên mức 115% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2031, thay vì 106% GDP như ước tính trước đó./.