Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vừa thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới tới Đông Bắc Á từ ngày 15-18/3.
Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động, việc hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là điểm đến cho chuyến "xuất ngoại" đầu tiên được xem là bước đi có chủ ý nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á.
Thông qua chuyến thăm, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng muốn phát đi thông điệp rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chuyến công du của hai quan chức cấp cao Mỹ nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao đáng chú ý hướng đến châu Á mà chính quyền Tổng thống Biden đang triển khai. Chuyến thăm được bố trí chỉ 2 ngày sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.
Tiếp nối sau đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin tới Ấn Độ cùng cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska (Mỹ) kể từ khi ông Biden nhậm hồi tháng Một, với sự tham gia của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Chương trình nghị sự dày đặc này không chỉ cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực củng cố mối quan hệ với các đồng minh, đối tác vốn bị rạn nứt vì chính sách “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, mà còn phản ánh cam kết sâu sắc của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang rơi xuống mức thấp do những tranh chấp trong lịch sử và thương mại, bởi vậy chuyến công du còn là cơ hội để Washington nhấn mạnh vai trò then chốt của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn như một điểm tựa vững chắc trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên.
Ngay trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng nhất và Mỹ khẳng định duy trì cam kết với các liên minh cốt lõi tại Đông Bắc Á.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Austin nêu rõ mục đích chuyến công du là tăng cường các mối quan hệ đồng minh và đối tác, đóng góp duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.
[Ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc đề cao quan hệ đồng minh vững chắc]
Quyết định chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du được xem như động thái nhằm trấn an đồng minh chủ chốt sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump yêu cầu Tokyo gia tăng chi phí cho việc đồn trú các lực lượng Mỹ tại nước châu Á. Sự bền chặt và vững mạnh của mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật được thể hiện qua cuộc đối thoại chiến lược và an ninh theo cơ chế Đối thoại "2+2."
Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật nói riêng và hợp tác 3 bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là cơ sở cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và các thách thức như dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Sự đồng thuận trên cho thấy cả hai nước đều nhận thức rằng một liên minh Mỹ-Nhật vững mạnh là yếu tố cần thiết hơn đối với an ninh trong khu vực. Đối với Mỹ, Nhật Bản có vị trí địa-chính trị quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ lâu là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính Mỹ, có thể nói thuộc phạm vi an ninh quốc phòng của Mỹ.
Trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI, nền ngoại giao Nhật Bản đã có những biến chuyển tích cực, góp phần nâng cao vị thế của quốc gia Đông Bắc Á này trên trường quốc tế. Do đó, để thúc đẩy chủ đề ngoại giao “Nước Mỹ đang trở lại” sâu rộng hơn, Tổng thống Biden phải duy trì sự hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, xem đó là “hòn đá tảng” trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bên cạnh Nhật Bản, mối quan hệ bền chặt với Hàn Quốc cũng được ví như một “mắt xích quan trọng” trong chiến lược khôi phục vị thế cũng như bảo đảm lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ ở khu vực.
Việc chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực hoàn tất cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng chỉ 46 ngày sau khi ông nhậm chức, không những đưa liên minh Hàn-Mỹ trở lại vị thế vững chắc và ổn định hơn, mà còn mở ra “một chương mới” của mối quan hệ đồng minh, như đánh giá của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Không chỉ đóng vai trò “chiếc neo chiến lược” đối với sự có mặt của Mỹ ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc còn là đồng minh và đối tác trọng yếu của Mỹ trong việc phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu, đặc biệt là vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên bị đình trệ.
Mối quan hệ “không thể tách rời” giữa Mỹ và Hàn Quốc đặc biệt được thể hiện qua lời khẳng định của Bộ trưởng Austin về tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn, cũng như cam kết của Washington đối với việc bảo vệ Hàn Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cho rằng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ là "nền tảng" trong chính sách ngoại giao của Seoul, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới.
Có thể thấy việc duy trì liên kết chặt chẽ với hai đồng minh cốt lõi ở Đông Bắc Á là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden. Nhìn rộng ra, việc củng cố các liên minh chiến lược ở Đông Bắc Á phần nào phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á bằng cách kết hợp giữa sức mạnh của quốc gia và một hệ thống liên minh vững chắc.
Quan điểm này cũng được đề cập trong Hướng dẫn chiến lược An ninh quốc gia tạm thời của Mỹ, theo đó ngoài các liên minh cốt lõi, Mỹ cũng sẽ tăng cường xây dựng các quan hệ đối tác trên thế giới giải quyết những thách thức chung, chia sẻ chi phí và mở rộng hợp tác.
Giới phân tích cũng nhận định những cam kết được đưa ra trong chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc có thể xem là chỉ dấu cho thấy một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Biden là xây dựng một chính sách châu Á có sự kế thừa di sản chính trị của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và điều chỉnh nó dựa trên chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền cựu Tổng thống Trump.
Trên thực tế, dưới thời cựu Tổng thống Obama mà ông Biden là Phó Tổng thống, Mỹ đã bắt đầu đặt trọng tâm vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tên gọi là chính sách “xoay trục" sang châu Á (sau này được gọi là “tái cân bằng châu Á").
Đến thời ông Biden, thông qua việc bổ nhiệm nhân sự, bao gồm các vị trí mới như điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia, vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ muốn phát tín hiệu cho thấy Washington sẽ coi châu Á là ưu tiên hàng đầu, hay như giới phân tích gọi là chính sách “xoay trục” sang châu Á 2.0.
Ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc phụ trách Nam Á của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington cho rằng sẽ không có nhiều khác biệt giữa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời chính quyền cựu Tổng thống Trump với đối sách về châu Á mà chính quyền Tổng thống Biden đang triển khai.
Theo ông, mục tiêu chung của các chiến lược này sẽ vẫn là tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, trước hết để đối phó với cách thách thức có thể đe dọa "vị thế" của Washington.
Trong khi đó, chuyên gia Walter Ladwig nhận định hoàn toàn có lý do để tin rằng chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục xem khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu.
Chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng cùng một loạt hoạt động đối ngoại của Mỹ thời gian qua đã và đang nhấn mạnh ý chí của Washington trong việc khôi phục và củng cố các liên minh tại châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt.
Có thể nói, sức nặng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các vấn đề kinh tế và chính trị càng được nâng tầm dưới thời chính quyền Tổng thống Biden./.