Ngày 10/9, Mỹ đã công bố một bản dự thảo nghị quyết sửa đổi về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9 vừa qua.
Theo các nhà ngoại giao, dự thảo sửa đổi đã có những nhượng bộ với phía Nga và Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc này trong phiên bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong ngày 11/9 theo giờ Mỹ.
Sau 4 ngày thảo luận khó khăn, nhất là với Bắc Kinh và Moskva, Mỹ đã đồng ý bỏ đề nghị về đóng băng tài sản đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đề xuất trong dự thảo trước đó. Lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên có thể được thực hiện từng bước.
Dự thảo mới cũng được đánh giá là mềm dẻo hơn khi đề cập đến tình hình người lao động Triều Tiên và việc thanh sát bắt buộc đối với các tàu của Triều Tiên nghi chở hàng hóa thuộc diện bị Liên hợp quốc cấm.
Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn bao gồm một lệnh cấm đối với hàng dệt may. Mục đích của các biện pháp trừng phạt mới là khiến Triều Tiên không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc trở lại bàn đàm phán.
[Triều Tiên cảnh báo Mỹ sẽ phải "trả một cái giá xứng đáng"]
Hiện chưa rõ lập trường của Nga và Trung Quốc đối với các nỗ lực trên của Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó từng tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới sẽ không giúp thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và Nga sẽ bỏ phiếu phủ quyết.
Về phần mình, Triều Tiên phản đối kế hoạch siết chặt trừng phạt của Liên hợp quốc, khẳng định rằng các biện pháp này sẽ "gây ra những đau khổ và chịu đựng nghiêm trọng nhất" từ trước tới nay, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với “một loạt hành động cứng rắn chưa từng thấy” nếu thúc đẩy áp đặt một nghị quyết mới tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Dự thảo trừng phạt Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trả lời phỏng vấn báo giới nhận định thách thức của chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gây lo ngại sâu sắc và là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thế giới trong nhiều năm qua.
Trong một diễn biến khác, ngày 11/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi tăng cường phòng thủ trước các mối đe dọa của Triều Tiên, khẳng định rằng Tokyo cần có khả năng tự vệ.
Phát biểu trước các sỹ quan cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), ông Abe khẳng định: "Không ai bảo vệ bạn nếu bạn không có ý thức tự bảo vệ mình."
Thủ tướng nhấn mạnh rằng Nhật Bản "cần tiến hành tất cả các biện pháp thích hợp nhằm đối phó" với các vụ việc như vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản hôm 29/8 vừa qua. Ông đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng phác thảo một kế hoạch cho chiến lược phòng thủ trong trung hạn.
Cùng ngày, Trung Quốc thông báo kết thúc hoạt động giám sát phóng xạ khẩn cấp ở các khu vực biên giới Đông Bắc, sau khi không phát hiện thấy điều gì bất thường đối với môi trường sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, các kết quả đánh giá toàn diện sau 8 ngày giám sát cho thấy tất cả trạm giám sát ở dọc khu vực biên giới với Triều Tiên và các vùng lân cận, trong đó có các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Sơn Đông, đều ghi nhận các mức độ phóng xạ bình thường.
MEP sẽ chuyển sang chế độ giám sát thường lệ sau khi hoạt động giám sát khẩn cấp kết thúc, đồng thời triển khai hoạt động giám sát phóng xạ tự động và phân tích mẫu phóng xạ thường xuyên ở các khu vực biên giới chủ chốt.
Mức độ phóng xạ thực tính théo thời gian thực tại trạm giám sát tự động ở gần và trong các khu vực biên giới Đông Bắc Trung Quốc sẽ tiếp tục được công bố để trấn an người dân./.