Mỹ: Số liệu kinh tế khả quan có thể thúc đẩy Fed sớm nâng lãi suất

Theo báo cáo, nhóm người tiêu dùng dưới 35 tuổi và những người có thu nhập hàng năm trên 35.000 USD là động lực chính thúc đẩy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đi lên trong tháng Năm.
Người tiêu dùng Mỹ mua sắm tại Chicago. (Nguồn: Bloomberg)

Hy vọng về nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được nguy cơ suy thoái trong thời gian tới được củng cố bởi các báo cáo khả quan công bố ngày 27/6, trong đó cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 1 năm rưỡi và chi tiêu của doanh nghiệp vẫn duy trì khá tốt.

Song những báo cáo này cũng làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát giá cả.

Kết quả khảo sát của tổ chức Conference Board công bố ngày 27/6 cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Sáu đạt 109,7 - mức cao nhất kể từ tháng 1/2022 và tăng từ mức 102,5 của tháng Năm.

Theo báo cáo, nhóm người tiêu dùng dưới 35 tuổi và những người có thu nhập hàng năm trên 35.000 USD là động lực chính thúc đẩy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đi lên trong tháng này.

Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới của người tiêu dùng giảm từ mức 6,1% trong khảo sát tháng trước xuống 6,0%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nhận định nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ suy thoái vào một thời điểm nào đó trong 6-12 tháng tới.

[Fed chấm dứt chuỗi tăng lãi suất liên tiếp: Khoảng dừng cần thiết?]

Đáng chú ý, người tiêu dùng Mỹ vẫn lạc quan hơn về thị trường lao động với tỷ lệ cho rằng công việc "dồi dào" tăng lên và tỷ lệ những người cho rằng việc làm "khó kiếm" giảm xuống.

Chuỗi tin tức kinh tế tích cực được tiếp nối với một báo cáo riêng từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số đơn đặt hàng tư liệu sản xuất phi quốc phòng (không bao gồm máy bay) đã tăng 0,7% trong tháng Năm. Thống kê này đã đánh bại dự báo của các nhà kinh tế rằng chúng không thay đổi trong tháng trước.

Số đơn đặt hàng tư liệu sản xuất là một báo cáo được thị trường theo dõi chặt chẽ để nắm bắt kế hoạch chi tiêu cho sản xuất của các doanh nghiệp.

Mặc dù mức tăng 1,3% của tháng Tư đã bị điều chỉnh giảm xuống 0,6%, nhưng chi tiêu kinh doanh tại Mỹ vẫn tăng bất chấp tác động từ chi phí đi vay cao hơn. Báo cáo lưu ý có sự gia tăng đáng kể số đơn đặt hàng thiết bị điện, thiết bị và linh kiện cũng như máy móc.

Thị trường nhà ở Mỹ cũng ghi nhận tín hiệu khả quan, khi các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường này có khả năng đã chạm đáy và đang bắt đầu cải thiện.

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/6, doanh số bán nhà đơn lập của nước này trong tháng 5/2023 đã tăng 12,2% lên mức 763.000 căn, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2/2022 và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường.

Bất chấp lãi suất thế chấp đang có xu hướng tăng, doanh số bán nhà vẫn tăng do khan hiếm nguồn cung nhà ở đã qua sở hữu. Có 1,08 triệu căn nhà đã qua sở hữu được rao bán trên thị trường vào tháng Năm và sẽ mất ba tháng để bán hết lượng nhà có sẵn.

Tuy nhiên, giới quan sát thận trọng rằng các số liệu lạc quan trên cũng có thể cho Fed thêm lý do để tiếp tục tăng lãi suất nhằm làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế.

Bà Veronica Clark, một nhà kinh tế tại ngân hàng Citigroup nhận định sức mạnh của thị trường nhà ở cho thấy rủi ro đối với mục tiêu đưa lạm phát về lại mức 2% trong trung hạn của Fed. Chuyên gia này cũng cho rằng tình hình khởi sắc của thị trường nhà ở trong mùa Hè cũng hỗ trợ nhận định Fed sẽ sớm tăng lãi suất.

Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 500 điểm cơ bản lên khoảng 5-5,25%. Sau cuộc họp chính sách gần nhất, Chủ tịch Fed đã báo hiệu rằng sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất khác trong năm nay sau khi tạm ngừng đà tăng trong tháng Sáu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục