Mỹ: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm bất chấp làn sóng sa thải

Một số đánh giá cho rằng hoạt động cắt giảm nhân sự tại các tập đoàn công nghệ chưa được phản ánh sát trong báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ một phần do sự chậm trễ về thời điểm công bố thông tin.
Mỹ: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm bất chấp làn sóng sa thải ảnh 1Thông báo tuyển nhân viên được dán tại một nhà hàng McDonald's ở Garden Grove, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua đã giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường việc chứng kiến làn sóng sa thải của nhiều tập đoàn công nghệ. 

Cụ thể, số đơn xin nhận trợ cấp vào tuần trước là 222.000 giảm 4.000 so với tuần trước đó.

Sau đợt sa thải vào tuần trước của Meta và tập đoàn bất động sản Redfin Corp, hiện có thêm một số công ty trong lĩnh vực công nghệ và bất động sản tiếp tục cắt giảm nhân sự hoặc tạm dừng tuyển dụng mới trong bối cảnh lãi suất đang trên đà tăng và nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Amazon được cho là sẽ sa thải khoảng 10.000 nhân viên.

Một số đánh giá chỉ ra rằng các hoạt động cắt giảm nhân sự này chưa được phản ánh sát trong các báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ.

Nguyên nhân một phần có thể do sự chậm trễ về thời điểm công bố thông tin hoặc nhóm các nhân viên bị sa thải, đặc biệt là những cá nhân có kỹ năng và chuyên môn cao đã ngay lập tức tìm được việc làm mới nên không cần phải đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp.

[Tập đoàn thương mại điện tử Amazon xác nhận tiến hành đợt sa thải lớn]

Trong thời gian gần đây, các công ty lớn của Mỹ bắt đầu sa thải một số lượng lớn nhân viên. Meta vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 11.000 lao động (tương đương 13% tổng số nhân viên) và đây là đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử của doanh nghiệp này.

Snapchat sẽ cho nghỉ việc 1.200 nhân viên, tương đương 20% nhân lực của công ty, trong khi Redfin Corp cho biết sẽ giảm khoảng 13% nhân sự. Twitter dự kiến giảm 50% nhân sự, khoảng 7.500 nhân viên.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng cắt giảm nhân sự  tại các công ty công nghệ là do họ đã phát triển mạnh trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nhưng giờ đây phải điều chỉnh để ứng phó với các thách thức mới trong bối cảnh dịch bệnh suy giảm, cách thức mua sắm của người tiêu dùng đã có những thay đổi so với thời kỳ đại dịch.

Ngoài ra, các công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, lãi suất cao, giá trị các đồng tiền biến động và số lượng nhân công dư thừa nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục