Mỹ sẽ triển khai "các biện pháp đặc biệt nhất định" để ngăn vỡ nợ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo nước này sẽ chạm mức trần nợ vào ngày 19/1 và cảnh báo Quốc hội cần phải ra tay kịp thời để "tăng hoặc tạm ngưng trần nợ.”
Mỹ sẽ triển khai "các biện pháp đặc biệt nhất định" để ngăn vỡ nợ ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Tài chính Mỹ sẽ triển khai “các biện pháp đặc biệt nhất định để ngăn Mỹ vỡ nợ” - theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Bà Yellen ngày 13/1 thông báo với Quốc hội rằng Mỹ sẽ chạm trần nợ vào ngày 19/1.

Bà thừa nhận rằng hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ không thể ước tính các biện pháp khẩn cấp có thể giúp chính phủ nước này trả nợ công được trong thời gian bao lâu. Quốc hội cần ra tay kịp thời để “tăng hoặc tạm ngưng trần nợ,” bà cảnh báo.

Trong lá thư gửi tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Yellen cho biết: “Chính phủ nếu không trả được nợ sẽ gây thiệt hại không thể bù đắp cho nền kinh tế Mỹ, đời sống của tất cả người dân Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu.

Tôi trân trọng hối thúc Quốc hội ra tay kịp thời để bảo vệ uy tín của Mỹ.”

Theo luật pháp Mỹ, mỗi khi tổng số nợ mà Bộ Tài chính vay đã “chạm trần” thì bộ này phải đề nghị Quốc hội “nâng” trần nợ lên, nếu không sẽ không được vay thêm.

Trên thực tế, ngân sách của Mỹ thường xuyên thâm hụt do chính phủ nước này chi nhiều hơn thu. Điều này này buộc chính phủ phải đi vay để bù đắp thâm hụt, và thông thường chính phủ đi vay bằng cách phát hành công trái, trái phiếu ngắn hạn và dài hạn.

Với thông báo của bà Yellen, chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian chính phủ liên bang có thể tiếp tục trả nợ công thêm bao lâu “đã được bấm nút.” Thực tế hồi cuối năm 2021, Quốc hội Mỹ đã phải tăng trần nợ lên khoảng 31.400 tỷ USD.

Một cuộc khảo sát mới được Wall Street Journal công bố cho thấy gần 70% các nhà kinh tế được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

[Mỹ lạc quan về khả năng tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế]

Các nhà kinh tế lý giải rằng thị trường nhà đất suy giảm và các ngân hàng đang thắt chặt tiêu chuẩn cho vay. Một lý do nữa là tổng số tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch COVID-19 mà người dân Mỹ có thể lấy ra để chi tiêu nay chỉ còn 1.200 tỷ USD và các nhà phân tích của Deutsche Bank dự đoán khoản tiền này sẽ cạn kiệt vào tháng 10 năm nay.

Tuy nhiên, hôm 5/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định kinh tế Mỹ đang chứng kiến “những điểm rất sáng” sau một vài năm khó khăn, mặc dù các nhà đầu tư và nhiều gia kinh tế cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp gần đây đã cảnh báo về nguy cơ kinh tế nước này suy thoái trong năm nay.

Chính quyền của Tổng thống Biden đánh giá khả năng suy thoái là khó xảy ra, một phần nhờ vào kế hoạch chi tiêu liên bang. Ông Biden cho rằng các khoản đầu tư công và tư trị giá 3.500 tỷ USD dành cho công nghệ và sản xuất trong thập kỷ tới sẽ thúc đẩy kinh tế nước này, và củng cố triển vọng với các công ty và người lao động Mỹ.

Không chỉ có ông Biden thể hiện sự lạc quan về nền kinh tế.

Ngày 1/1 vừa qua, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng Mỹ có thể tránh được kịch bản suy thoái toàn diện. Lãnh đạo Fed chi nhánh St.Louis, James Bullard ngày 5/1 cũng nhận định nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đã giảm trong thời gian gần đây và nếu tránh được suy thoái, Mỹ có thể tăng trưởng “nhẹ” - như Fed ước tính là 0,5% trong năm nay.

Theo các nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng “slowcession" - tình trạng tăng trưởng gần như chững lại nhưng không rơi vào suy thoái.

Mỹ sẽ triển khai "các biện pháp đặc biệt nhất định" để ngăn vỡ nợ ảnh 2Moody's cho rằng người tiêu dùng sẽ tích cực mua sắm khi thị trường việc làm vẫn vững mạnh và lạm phát hạ nhiệt. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh năm 2023 còn nhiều khó khăn phía trước, Moody’s thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng.

Nhà kinh tế trưởng của bộ phận phân tích thuộc Moody's, Mark Zandi, cho biết người tiêu dùng sẽ tích cực mua sắm khi thị trường việc làm vẫn vững mạnh và lạm phát hạ nhiệt. Tiền lương thực tế đang tăng, giá xăng giảm và Fed có thể chuẩn bị tạm dừng chính sách tăng lãi suất. Các nền tảng cơ bản trong nền kinh tế Mỹ sẽ dần ổn định như hệ thống ngân hàng vững mạnh và các doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Dù vậy, kinh tế gia của Moody's nhận định suy thoái là một "mối đe dọa nghiêm trọng," cảnh báo nền kinh tế Mỹ "đặc biệt dễ bị tổn thương" trong trường hợp xảy ra những cú sốc.

Goldman Sachs mới đây đã bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm” khi lạm phát được kiểm soát và kinh tế tiếp tục tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục