Mỹ sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris

Theo báo cáo công bố ở Hội nghị về khí hậu toàn cầu, ngày 12/9, Mỹ có thể sẽ chỉ thực hiện được 2/3 mục tiêu giảm thải khí nhà kính đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015.
Ảnh minh họa. (Nguồn: fineartamerica)

Một báo cáo được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu, diễn ra ở San Francisco (Mỹ) ngày 12/9, cho biết nước Mỹ có thể sẽ chỉ thực hiện được 2/3 mục tiêu giảm thải khí nhà kính đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015.

Báo cáo mang tên "Thực hiện Cam kết của Mỹ," do cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg tài trợ, cho rằng các nỗ lực không mệt mỏi ở các đơn vị hành chính dưới quốc gia như các bang, các thành phố, và các doanh nghiệp nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ không thể nào bù lại được quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ các chính sách khí hậu của người tiền nhiệm Barack Obama và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Báo cáo nhận định, theo đà hiện nay, đến năm 2025, mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ sẽ chỉ giảm 17% so với năm 2005, trong khi cựu Tổng thống Obama đã đặt mục tiêu giảm 26% so với năm 2005.

Phát biểu với báo giới, đồng tác giả báo cáo trên, Giám đốc Viện Rocky Mountain, Paul Bodnar thừa nhận: “Rất khó đạt được mục tiêu của ông Obama."

Tuy nhiên, theo các tác giả, khoảng cách này hoàn toàn có thể được thu hẹp (21%, thậm chí 24%) nếu có sự nỗ lực nhiều hơn từ các phía.

Năm 2015, 196 quốc gia trên thế giới đã ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó Mỹ tự nguyện cam kết giảm 26-28% lượng khí thải carbon vào năm 2025 so với mức ghi nhận năm 2005.

Hiệp định này đánh dấu lần đầu tiên tất cả các quốc gia - bao gồm cả các "gã khổng lồ" đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ - cùng nhau đặt mục tiêu cụ thể nhằm "xanh hóa" nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đầy tham vọng này, bất chấp sự lên án của quốc tế.

[Mỹ: Bang California cam kết sử dụng 100% điện sạch vào năm 2045]

Ông thậm chí còn hủy bỏ hai trụ cột trong kế hoạch khí hậu của người tiền nhiệm, liên quan đến các nhà máy nhiệt điện (sử dụng than đá) và các tiêu chuẩn chống ô nhiễm đối với xe ôtô.

Các quyết định này đã khiến nhiều thống đốc bang, thị trưởng Dân chủ và các chủ doanh nghiệp rất phẫn nộ. Đáp lại, họ cam kết sẽ hành động hết sức mình để đạt các mục tiêu ban đầu của Hiệp định. Đáng chú ý là trong 6 năm tới, họ sẽ không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ chính phủ liên bang.

Báo cáo trên bày tỏ tin tưởng rằng, ngay cả khi không có một tổng thống thuộc đảng Dân chủ trong Nhà Trắng vào năm 2020, 90% mục tiêu mà Mỹ cam kết có thể sẽ vẫn đạt được nếu các tác nhân trên nỗ lực gấp đôi.

Một trong những tín hiệu đáng mừng là bang California đã nổi lên là địa phương đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu. Ngày 10/9, Thống đốc Jerry Brown đã ký ban hành một đạo luật mang tính bước ngoặt, trong đó cam kết bang này sẽ có mạng lưới điện sạch 100% vào năm 2045.

Là nền kinh tế lớn thứ thế giới, California đặt mục tiêu vào năm 2030 giảm 40% khí thải so với mức năm 1990.

Với khẩu hiệu "Chúng ta vẫn cam kết," các thị trưởng, thống đốc bang và chủ doanh nghiệp Mỹ ủng hộ Hiệp định Paris bằng cách đặt những mục tiêu tham vọng hơn ở cấp địa phương, để bù lại sự thiếu cam kết ở cấp lãnh đạo.

Tuy nhiên, Mary Nichols, Phó Chủ tịch Liên minh "Thực hiện Cam kết của Mỹ", nhấn mạnh: “Rất cần sự cam kết của tất cả mọi người,” không chỉ các bang mà cả chính phủ liên bang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục