Mỹ sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ như thế nào?

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ cho biết "cách duy nhất để chính phủ giải quyết mức trần nợ là Quốc hội nâng hoặc đình chỉ trần nợ."
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Washington, DC., ngày 28/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Wall Street Journal, chính phủ liên bang có thể sớm "cạn tiền" để thanh toán các hóa đơn của mình. Điều này đặt ra những câu hỏi về những gì nước Mỹ có thể làm để tránh một vụ vỡ nợ lịch sử.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), các nhà lập pháp ở thủ đô Washington D.C đã hành động 25 lần kể từ năm 1993 để nâng hoặc điều chỉnh giới hạn vay nợ liên bang hay còn gọi là trần nợ.

Trong các thập kỷ qua, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần nâng mức trần nợ công để tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ bị vỡ nợ. Tuy nhiên, Đạo luật ngân sách lưỡng đảng năm 2019 (được ban hành tháng 8/2019) đã đình chỉ quy định về trần nợ đến hết ngày 31/7/2021.

Ngày 1/8 vừa qua, trần nợ được tái áp đặt ở mức khoảng 28.500 tỷ USD (bao gồm mức trần cũ là 22.000 tỷ USD cộng với số nợ tích lũy trong suốt giai đoạn đình chỉ).

Các nhà lập pháp Mỹ có thời hạn đến ngày 18/10 để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công trước khi quốc gia này có thể vỡ nợ. Quốc hội Mỹ vẫn đang trong quá trình xem xét các phương pháp tiếp cận lần này, qua đó làm nảy sinh các suy đoán về các lựa chọn khả thi khác.

Những giải pháp đó bao gồm việc thay đổi các quy định của Thượng viện, hoặc Bộ Tài chính Mỹ đúc một đồng tiền trị giá 1.000 tỷ USD để trả các khoản nợ của chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, cơ quan này có khả năng sẽ không còn giải pháp nào nếu như Quốc hội không hành động. Khi đó có thể xảy ra những bất ổn về việc liệu Bộ Tài chính có thể đáp ứng tất cả các cam kết của nước Mỹ sau đó hay không. Dưới đây là một cách giải quyết sự bế tắc về trần nợ của nước Mỹ.

Quốc hội Mỹ có thể làm gì?

Đảng Dân chủ, hiện đang kiểm soát cả Lưỡng viện Quốc hội, có một số công cụ mà họ có thể sử dụng. Một trong số đó là tăng mức trần nợ bằng cách vận dụng một thủ tục gọi là đồng nhất ý kiến về ngân sách (budget reconciliation).

Theo quy trình này, Thượng viện Mỹ sẽ chỉ cần 51 phiếu thay vì 60 phiếu như thường lệ để thông qua một dự luật ngân sách.

Các đảng viên Dân chủ cũng đã thảo luận về việc có nên đưa ra một cuộc bỏ phiếu đa số không áp dụng cho luật trần nợ, hoặc thậm chí liệu có nên loại bỏ quy định này trong một ngày, để nâng giới hạn vay hay không.

Cơ chế này sẽ yêu cầu tất cả 50 nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ để thay đổi các thủ tục của Thượng viện vốn yêu cầu phải có đủ 60 phiếu bầu để thông qua hầu hết các luật.

[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tạm thời nâng trần nợ công]

Các lựa chọn khác bao gồm việc kêu gọi 10 nghị sỹ Cộng hòa đứng về phía đảng Dân chủ để vượt qua rào cản yêu cầu đủ 60 phiếu hoặc đảng Cộng hòa đồng ý cho các nghị sỹ Dân chủ đưa ra dự luật.

Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Yellen tin rằng Quốc hội đang gánh vác trách nhiệm đối với việc nâng trần nợ, theo đó cho phép Bộ Tài chính huy động tiền mặt bằng cách khai thác thị trường trái phiếu.

Ý tưởng đúc đồng tiền xu trị giá 1.000 tỷ USD

Ít nhất một nghị sỹ Dân chủ, Hạ nghị sỹ Jerrold Nadler, từ lâu đã ủng hộ ý tưởng này. Ông Nadler đã nhiều lần đề cập trên các phương tiện truyền thông rằng Bộ Tài chính có thể giải quyết bất kỳ sự bế tắc nào của Quốc hội bằng cách đúc một đồng tiền bạch kim.

Ý tưởng là Bộ Tài chính Mỹ có thể đúc một đồng xu có mệnh giá lớn, chẳng hạn như 1.000 tỷ USD, và gửi đồng xu đó vào tài khoản ngân hàng tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để thanh toán các hóa đơn. Luật liên bang cho phép Bộ trưởng Tài chính có thẩm quyền đúc một đồng tiền bạch kim, nhưng không nêu rõ mệnh giá của chúng là bao nhiêu.

Bà Yellen nói rằng ý tưởng này không phải là một giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề trần nợ. Bà Yellen nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng: "Tôi phản đối điều đó và tôi không tin rằng chúng ta nên xem xét nó một cách nghiêm túc." Bà Yellen cho biết việc đúc đồng bạch kim cũng sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của Fed.

Liệu Tổng thống Biden có viện dẫn Tu chính án thứ 14 không?

Trong phát biểu vào đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng ông không thể đảm bảo rằng nước Mỹ có thể trả các khoản nợ của mình nếu Quốc hội không tăng trần nợ công.

Một số chuyên gia pháp lý không đồng ý với điều đó. Họ tin rằng ông Biden có thẩm quyền chỉ thị Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ, bất kể Quốc hội làm gì. Một lý thuyết về mặt pháp lý cho rằng hành động đó sẽ dựa vào Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, trong đó nói rằng "tính hợp lệ vấn đề nợ công của nước Mỹ sẽ không bị chất vấn."

Ý tưởng sử dụng Tu chính án 14 làm lý do cho việc tiếp tục vay nợ của chính phủ đã được nêu ra trước đây, khi cựu Tổng thống Bill Clinton sử dụng biện pháp này dẫn đến sự bế tắc về trần nợ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Sau đó, Nhà Trắng cho biết tổng thống không có quyền tự mình hành động để phát hành khoản nợ mới.

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính cho biết, chính quyền hiện tại cũng có quan điểm tương tự. Neil H. Buchanan, một nhà kinh tế học và giáo sư luật tại Đại học Florida, lưu ý rằng ông Biden có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý nếu ông kháng nghị Hiến pháp để vượt qua các quy định về trần nợ.

Ai được trả tiền đầu tiên nếu trần nợ không được tăng lên?

Nếu trần nợ không được nâng lên, Bộ Tài chính Mỹ có thể phải sử dụng tiền sẵn có để thanh toán cho một số bên nhất định, chẳng hạn như trả lãi cho những người nắm giữ trái phiếu chính phủ trước khi thanh toán các khoản an sinh xã hội.

Trên thực tế, các quan chức Fed và Bộ Tài chính đã đưa ra một kế hoạch thanh toán ưu tiên khi chuẩn bị cho một kịch bản trần nợ tương tự vào năm 2011 dưới thời chính quyền của ông Obama. Các quan chức đã lên kế hoạch thanh toán đúng hạn nợ của Bộ Tài chính, đồng thời trì hoãn thanh toán các hóa đơn khác.

Trả lời câu hỏi về cách Bộ Tài chính có thể ưu tiên các khoản thanh toán lần này, một phát ngôn viên của cơ quan cho biết "cách duy nhất để chính phủ giải quyết mức trần nợ là Quốc hội nâng hoặc đình chỉ trần nợ."

Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Biden gần đây cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể gây ra suy thoái kinh tế, thị trường tài chính xáo trộn, khiến nhiều gia đình Mỹ không được tiếp cận với hỗ trợ tài chính và làm tê liệt các chức năng cơ bản của Chính phủ liên bang.

Tuy nhiên, Shai Akabas, giám đốc chính sách kinh tế tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, cho biết, Bộ Tài chính có thể lựa chọn một kế hoạch thanh toán tương tự như kế hoạch đã được xem xét vào năm 2011.

Tuy nhiên, điều đó sẽ đi kèm với rất nhiều dấu hỏi, ví dụ như các vụ kiện về việc người này được trả tiền còn người khác thì không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục