Mỹ sẽ triển khai một "lực lượng tấn công" mới nhằm đấu tranh với những hành vi thương mại không công bằng.
Tuyên bố trên được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 8/6 sau khi Washington đánh giá lại về quyền tiếp cận của Mỹ với các sản phẩm thiết yếu, từ chất bán dẫn đến pin ôtô điện.
Trao đổi với báo giới, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết lực lượng trên, do Đại diện Thương mại Mỹ dẫn đầu, sẽ điều tra những vi phạm cụ thể góp phần dẫn đến "lỗ hổng" trong các chuỗi cung ứng mà có thể được giải quyết bằng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó hướng tới Trung Quốc.
Cũng theo các quan chức này, Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc khởi động cuộc điều tra theo quy định của Mục 232 về tác động của hoạt động nhập khẩu nam châm neodymium, được sử dụng trong động cơ và các ứng dụng công nghiệp khác, đối với an ninh quốc gia. Mỹ chủ yếu nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc.
Một quan chức cho biết Mỹ đã phải đối mặt với những hành vi thương mại không công bằng từ "một số chính phủ nước ngoài" trên toàn bộ bốn chuỗi cung ứng được đề cập trong đánh giá ban đầu, bao gồm trợ cấp chính phủ và việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ bắt buộc.
Quan chức này khẳng định Mỹ sẽ không "tiến hành chiến tranh thương mại với các đồng minh và đối tác" mà lực lượng trên sẽ tập trung vào các sản phẩm cụ thể.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho rằng Mỹ phải hợp tác với các đồng minh nhằm đảm bảo các khoáng sản cần thiết để sản xuất pin xe điện (EV) và chế biến khoáng sản trong nước vì lợi ích môi trường và các lợi ích cạnh tranh khác.
Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ triển khai một nhóm công tác để xác định nơi có thể sản xuất và chế biến khoáng sản sử dụng trong pin EV và các công nghệ khác có thể được sản xuất trong nước.
[Đại diện Mỹ: Có sự mất cân đối lớn trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung]
Nhà Trắng cũng thừa nhận vai trò của Trung Quốc là nhà xử lý kim loại EV lớn nhất thế giới và cho biết sẽ nỗ lực hơn nữa để giảm bớt sự phụ thuộc đó. Tuyên bố nêu rõ để đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản và nguyên liệu quan trọng bền vững, đáng tin cậy, Mỹ phải hợp tác với các đồng minh và đối tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhà Trắng cũng cho biết Bộ Nội vụ và các cơ quan khác sẽ xem xét nhằm xác định các lỗ hổng trong bộ luật cấp phép khai thác mỏ để đảm bảo bất kỳ hoạt động sản xuất mới nào cũng phải "đáp ứng các tiêu chuẩn mạnh mẽ" về môi trường và lợi ích của cộng đồng.
Hồi tháng Hai vừa qua, Tổng thống Biden đã chỉ thị đánh giá lại những nguồn cung ứng thiết yếu, trong đó đề nghị các cơ quan quản lý của Mỹ trong vòng 100 ngày phải báo cáo về những rủi ro đối với quyền tiếp cận của Washington với các loại hàng hóa quan trọng, chẳng hạn như những sản phẩm được sử dụng trong ngành dược phẩm, cũng như khoáng sản đất hiếm mà nước này phải phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài.
Giới quan sát nhận định mặc dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, song tiến trình đánh giá lại là một phần trong chính sách rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Biden nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ trước những thách thức kinh tế do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt ra.
Mỹ đã trải qua một số cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng lớn trong năm qua. Vào thời điểm bắt đầu của đại dịch COVID-19, ngành y tế đã phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân.
Gần đây nhất, nhiều ngành công nghiệp đã bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt chất bán dẫn. Đặc biệt, ngành ôtô là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất./.