Nhà Trắng vừa thông báo kế hoạch nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh và các mối đe dọa sinh học khác, nhấn mạnh nguy cơ xảy ra đại dịch "có thể còn tồi tệ hơn COVID-19."
Phát biểu tại một cuộc hội thảo hồi cuối tuần qua, Giám đốc Văn phòng chính sách khoa học & công nghệ của Nhà Trắng Eric Lander nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã phơi bày những vấn đề cơ bản đang tồn tại trong hệ thống y tế công cộng của Mỹ, vượt xa khả năng ứng phó với đại dịch.
Các vấn đề này bao gồm nhu cầu tăng ngân sách y tế công cộng tổng thể, tăng cường lực lượng y tế công cộng, loại bỏ các rào cản tiếp cận, cải thiện hệ thống dữ liệu, giải quyết sự chênh lệch, cải thiện thông tin liên lạc và cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan liên bang, tiểu bang, địa phương.
Ngay cả khi những kiến thức và biện pháp chống dịch đã giúp cải thiện đáng kể năng lực ứng phó của Mỹ, song dịch COVID-19 vẫn có sức tàn phá lớn đối với nước này và thế giới.
[Nước Mỹ vẫn đứng đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm và tử vong]
Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 660.000 người Mỹ và hàng triệu người trên thế giới; nhiều bệnh nhân bình phục vẫn phải sống chung với những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh này.
Do đó, ông kêu gọi Quốc hội phân bổ ít nhất 15 tỷ USD để khởi động kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch được nêu trong dự luật điều chỉnh ngân sách, vốn dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận vào mùa Thu này.
Theo kế hoạch được ông Lander công bố, Nhà Trắng dự tính sẽ chi cho chương trình phòng dịch 15 tỷ USD từ gói ngân sách đang được trình lên Quốc hội.
Về lâu dài, Chính phủ Mỹ đặt kế hoạch chi 65,3 tỷ USD cho chương trình kéo dài 7-10 năm.
Mục tiêu đầu tiên của chương trình là "cải tiến hệ thống phòng thủ y tế của Mỹ" thông qua việc tăng cường khả năng phát triển vaccine và phương pháp điều trị nhằm chống lại các mối đe dọa sinh học trong tương lai.
Mục tiêu thứ hai là Mỹ muốn phát triển một hệ thống cảnh báo sớm và giám sát thời gian thực mạnh mẽ hơn trước những mối nguy hiểm tiềm tàng.
Mục tiêu thứ ba trong kế hoạch của chính quyền là "nâng cấp hệ thống y tế công cộng" bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tập trung vào cộng đồng có nguy cơ cao và thiết lập cơ sở hạ tầng quốc tế và tài chính cho việc sẵn sàng chống đại dịch.
Yếu tố thứ tư là "xây dựng các năng lực cốt lõi," có nghĩa là dự trữ và phát triển các thiết bị bảo hộ cá nhân một cách thích hợp và mở rộng chuỗi cung ứng của Mỹ.
Cuối cùng, kế hoạch tập trung vào việc thiết lập một cơ quan "để quản lý, tích hợp và đảm bảo trách nhiệm giải trình cho tất cả các khía cạnh" liên quan tới nỗ lực chống đại dịch tương lai của Mỹ.
Đánh giá kế hoạch trên, Tiến sỹ Eric Toner, chuyên gia tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, nhận định: "Tôi nghĩ rằng chính quyền đã xác định được hầu hết các vấn đề chính. Nếu chính phủ đầu tư nghiêm túc và quan trọng hơn là cam kết bền vững, có lẽ chúng ta có thể đạt được tiến bộ thực sự."
Hiện Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với hơn 40,805 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 666.219 ca tử vong./.