Nơi cư ngụ của Edward Snowden, nhân vật cung cấp thông tin cho báo chí, dẫn tới tiết lộ về vụ thu thập dữ liệu điện thoại lớn nhất lịch sử nước Mỹ đang là “địa chỉ đỏ” được truy lùng gắt gao, trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ đòi dẫn độ Snowden từ Hong Kong (Trung Quốc) về nước ngay lập tức. Snowden, chuyên gia công nghệ 29 tuổi làm việc cho một công ty tư nhân là nhà thầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), đã rời khách sạn ở Hong Kong sau khi tiết lộ danh tính với tờ báo Anh Guardian vào hôm Chủ nhật. Snowden đã nhanh chóng trở thành một người hùng của giới báo chí toàn cầu vì những tiết lộ của anh về chương trình thu thập dữ liệu điện thoại và dữ liệu internet khắp thế giới của NSA. Nhưng chính quyền Mỹ đang quyết tâm có hành động mạnh tay với Snowden khi các nghị sĩ gọi hành động của anh là “phản bội” và nói phải dẫn độ Snowden về từ Hong Kong càng sớm càng tốt. Thượng nghị sĩ dân chủ của bang California Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban tình báo thượng viện, từ chối nói chi tiết, nhưng khẳng định nhà chức trách Mỹ đang săn lùng Snowden quyết liệt. “Tất cả các cơ quan nhà nước đang tiến hành quyết liệt”, Feinstein nói với truyền thông Mỹ, gọi hành động của Snowden là “phản bội”. Hong Kong, một đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc, có thỏa thuận dẫn độ đã được ký với Mỹ hơn một thập kỷ. “Thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong được ký năm 1996 và có hiệu lực từ năm 1998. Hiện giờ nó vẫn có hiệu lực và chúng tôi đã sử dụng thỏa thuận này tích cực trong các năm qua”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói. Các nghị sĩ Mỹ đều yêu cầu nhanh chóng dẫn độ Snowden trở lại Mỹ khi báo Washington Post công bố một cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân coi việc điều tra các nguy cơ khủng bố quan trọng hơn là bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Thượng nghị sĩ Florida, Bill Nelson, nói Snowden phải bị truy tố tội phản quốc. “Đây không phải là kẻ cung cấp thông tin, tôi cho rằng đây là hành vi của một kẻ phản quốc”, ông nói. “Đây là những thông tin được thu thập chủ ý, có chỉ đạo và được xếp loại tuyệt mật. Anh ta phải bị truy tố theo pháp luật”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói thêm: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ đuổi theo ông Snowden tới tận cùng trái đất để đưa ông ta ra trước công lý”. Người đứng đầu ngành tình báo của Tổng thống Barack Obama, Giám đốc Văn phòng tình báo quốc gia James Clapper, nói những tiết lộ của Snowden có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh Mỹ và đã chuyển vụ việc cho Bộ Tư pháp, nơi sẽ tiến hành điều tra. Nhà Trắng từ chối bình luận về vụ việc, viện lý do cuộc điều tra đang diễn ra. Nhưng một người phát ngôn xác nhận Clapper sẽ tiến hành đánh giá thiệt hại do những tổn thất này, cũng như nói Obama đã được các quan chức cấp cao báo cáo về các tiết lộ này vào cuối tuần. Snowden nói với báo Guardian anh hy vọng xin tị nạn chính trị ở Iceland, nhưng cơ quan nhập cư Iceland nói họ chưa nhận được đề nghị chính thức và nói Snowden phải có mặt trên lãnh thổ Iceland mới có thể xin tị nạn. Nhiều tin đồn rộ lên ngày 10/6 về lập trường của Hong Kong trong vụ việc và các nhà phân tích không nhất trí được về khả năng những quan chức cấp cao ở Bắc Kinh có can thiệp hay không. Vụ việc cũng hướng sự chú ý vào thói quen xưa nay của các cơ quan an ninh nhà nước Mỹ sử dụng rất nhiều nhà thầu tư nhân bên ngoài cho các công việc tình báo nhạy cảm. Snowden là một cựu nhân viên cấp thấp ở Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và từng làm việc cho nhà thầu tư nhân Booz Allen Hamilton. Hiện anh có rất nhiều người ủng hộ, những người lên án chính phủ Mỹ đã xâm hại tự do và do thám bí mật những người dùng internet.
Một người ủng hộ giương biểu ngữ gọi Snowden là anh hùng (Nguồn: AFP)
“Động cơ duy nhất của tôi là thông tin cho dư luận những gì đã được thực hiện với tên tuổi và dữ liệu cá nhân của họ”, Snowden nói trên Guardian. Anh nói anh công khai các thông tin trên vì không thể “để chính quyền Mỹ hủy hoại quyền riêng tư, tự do internet và các quyền tự do cơ bản của con người trên toàn thế giới với cỗ máy do thám khổng lồ mà họ đang bí mật dựng lên”. Snowden bay sang Hong Kong ngày 20/5 sau khi đã copy các tài liệu ở văn phòng NSA ở Hawaii mà anh dự định sẽ tiết lộ, theo Guardian. Lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong nói cục an ninh thành phố này từ chối bình luận, nhưng một nghị sĩ cấp cao thông báo với các phóng viên rằng Snowden có lẽ nên rời Hong Kong. Hong Kong “bắt buộc phải tuân thủ những thỏa thuận” với chính quyền Mỹ, theo lời nghị sĩ Regina Ip. Julian Assange, nhà sáng lập trang mạng tiết lộ thông tin WikiLeaks hiện đang tạm lánh trong đại sứ quán Ecuador ở London nhằm tránh lệnh dẫn độ sang Thụy Điển, đã khuyên Snowden xin tị nạn chính trị ở Mỹ Latin. “Tôi khuyên anh ấy nên tới Mỹ Latin”, ông Assange nói trên CNN. “Mỹ Latin đã cho thấy trong mười năm qua rằng họ bảo vệ nhân quyền, họ có truyền thống cho tị nạn chính trị lâu dài”. Theo chiến dịch PRISM mà Snowden đã tiết lộ, NSA có quyền ra lệnh cho các công ty internet như Google hay Facebook để tiếp cận thư điện tử, các cuộc hội thoại trên mạng, hình ảnh, các tập tin và nhiều thứ khác của người dùng ở nước ngoài./.
Trần Trọng (Vietnam+)