Mỹ rút khỏi INF liệu có ảnh hưởng nhiều đến Thái Bình Dương?

Một lý do thứ hai khiến Mỹ rút khỏi INF là thỏa thuận từng ký với Nga đã hạn chế Mỹ phát triển những tiềm lực chống lại các thế lực thù địch ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ rút khỏi INF liệu có ảnh hưởng nhiều đến Thái Bình Dương? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc Mỹ từ bỏ hay tiếp tục duy trì Hiệp định các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) không làm thay đổi sức mạnh hay những hạn chế của Mỹ tại Thái Bình Dương, theo nhận định của tạp chí trực tuyến Geopolitical Futures mới đây.

Khi thông báo ý định rút khỏi INF được ký năm 1987, Tổng thống Donald Trump phần lớn đổ lỗi cho Nga, cáo buộc Moskva liên tục công khai vi phạm hiệp định trong nhiều năm và đây lý do quan trọng khiến Mỹ từ bỏ INF.

Ông cũng nhắc đến lý do thứ hai lý giải cho quyết định của mình là thỏa thuận từng ký với Nga - một hiệp ước được thiết kế phù hợp với hệ thống thế giới hai cực - suốt nhiều thập kỷ qua đã hạn chế Mỹ phát triển những tiềm lực chống lại các thế lực thù địch ở châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực có nguy cơ tạo ra thách thức chiến lược lớn hơn cho Mỹ trong vài thập kỷ tới.

Đây là quan điểm được Lầu Năm Góc ủng hộ, chủ yếu xuất phát từ thực tế INF không bao gồm các quốc gia như Trung Quốc và Triều Tiên - những nước đang xây dựng kho vũ khí quy mô lớn, trong đó có nhiều loại tên lửa mà Mỹ không thể phát triển do bị trói buộc bởi các điều khoản trong INF.

Theo các quy định của INF, có đến 95% số tên lửa mặt đất của Trung Quốc sẽ bị cấm. Sức mạnh này của Trung Quốc làm suy giảm lợi thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ việc rút khỏi INF có lẽ cũng không thể giải quyết được khúc mắc này.

Ở Tây Thái Bình Dương, năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ dựa vào các hệ thống phòng không không nằm trong phạm vi không chế của INF - hiệp định vốn chỉ cấm các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km.

Nhìn bố trí bản đồ khu vực có thể thấy rõ điều này. Giữa Hawaii và Trung Quốc đại lục là dải bờ biển màu xanh, không có nhiều địa điểm để Mỹ có thể triển khai tên lửa mặt đất.

Guam có vị trí phù hợp, nhưng lại quá nhỏ để bảo đảm rằng Mỹ có thể triển khai tên lửa mặt đất đủ sức tồn tại trong trường hợp xảy ra đụng độ hạt nhân.

Cũng có một vài quốc gia, được coi là đồng minh của Mỹ, nhưng cũng không cho phép Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân hay các hệ thống tên lửa trên lãnh thổ.

Mỹ hiện triển khai 9 trên tổng số 14 tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo tại khu vực, mỗi chiếc có khả năng mang 20 tên lửa Triden II đước phóng từ tàu ngầm và hoạt động vượt khỏi tầm giám sát của Trung Quốc.

[Mỹ không có kế hoạch triển khai các tên lửa mới tại châu Âu]

Mỹ còn có khoảng 60 máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52 có khả năng mang bom hạt nhân, có thể bay sang Đông Á từ đảo Guam hay Hawaii.

Ngoài ra, Mỹ còn sở hữu 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trong các hầm phóng được bố trí rải rác trên đất liền Mỹ. Mỗi chủng loại vũ khí này đều có khả năng sống sót cao hơn so với hệ thống tên lửa mặt đất - vốn nằm trong tầm bắn tên lửa tầm trung của Trung Quốc hay Triều Tiên - nếu đối phương phát động tấn công.

Vậy nên nhìn từ góc độ răn đe hạt nhân, sẽ không có nhiều thay đổi ở Đông Á nếu Mỹ rũ bỏ những rào cản từ INF bởi Mỹ đã có sẵn những lựa chọn thay thế phong phú.

Vấn đề được đặt ra là tên lửa mặt đất có thể giúp ích gì cho Mỹ ở Thái Bình Dương mà tên lửa phóng từ trên không, trên biển không thể làm được. Về mặt lý thuyết, tên lửa mặt đất có thể được triển khai với số lượng lớn hơn, thường trực sẵn sàng tác chiến tốt hơn và vì thế dễ dàng huy động tức thời trong trường hợp cần thiết.

Hơn thế nữa, tên lửa đạn đạo mặt đất không chịu giới hạn về tải trọng như tên lửa phóng từ tàu ngầm, đồng nghĩa có thể mang lượng chất nổ lớn hơn, cũng dễ nạp bắn hơn. Tên lửa mặt đất cũng là giải pháp ít tốn kém hơn, do không phải chịu chi phí đắt đỏ cho tàu chiến, máy bay.

INF cũng tạo ra những rào cản đối với sức mạnh thông thường của quân đội Mỹ. Không giống như tên gọi, INF ràng buộc cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường, với lý do đơn giản đa phần tên lửa hành trình và tên lửa đạn đầu thông thường nằm trong tầm hạn chế của INF đều có thể mang cả hai đầu đạn.

Rút khỏi hiệp định này sẽ tạo điều kiện để Mỹ gia tăng tiềm lực vũ khí thông thường ở Tây Thái Bình Dương.

INF cũng cấm triển khai một số hệ thống vũ khí chiến trường mà Lục quân Mỹ, chứ không phải là Hải quân hay Không quân, muốn triển khai như pháo phóng rocket hay các biến thể tầm xa của Hệ thống tên lửa chống tăng (ATMS).

Với những nguy cơ trong tác chiến, Lầu Năm Góc buộc phải tăng cường tính linh hoạt. Trong khi đó Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân để cản trở và ngăn Mỹ tự do tác chiến trong khu vực.

Mỹ rút khỏi INF liệu có ảnh hưởng nhiều đến Thái Bình Dương? ảnh 2Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. (Nguồn: The Moscow Times/ TTXVN)

Trong tình huống xảy ra đụng độ với Mỹ, Trung Quốc sẽ có lợi thế đáng kể về ưu thế chiến trường bản địa, với một loạt căn cứ, kho vũ khí ở gần.

Việc triển khai hệ thống vũ khí trên bộ, nhất là tên lửa chống hạm, sẽ là lựa chọn hợp lý nếu xảy ra tình huống xấu nhất là Mỹ mất hoặc không duy trì được ưu thế về không quân, hải quân.

Tuy nhiên, thách thức lại nằm ở chỗ Mỹ không thể triển khai mọi khí tài và ở bất kỳ nơi nào Mỹ muốn. Mọi lựa chọn đều có đánh đổi. Phát triển tên lửa mặt đất tầm trung không phải là điều quá khó, nhưng đi kèm với đó sẽ là vấn đề về ngân sách, hay địa điểm triển khai các hệ thống này.

Nằm cách xa các vùng xung đột tiềm tàng trong khu vực tới gần 3.200km, đảo Guam không phải là nơi thích hợp để Mỹ triển khai số tên lửa này. Trong trường hợp căn cứ Mỹ tại Guam bị tấn công bằng tên lửa mặt đất, thậm chí là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, hòn đào chiến lược này sẽ bị xóa sổ.

Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines đều là những địa điểm hữu dụng, nhưng không một nước nào cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa mặt đất tầm trung trên lãnh thổ của mình chủ yếu vì lý do chính trị và sức ép trong nước.

Với những hạn chế trên, giải pháp khả thi nhất chính là việc Mỹ chỉ cần khuyến khích đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc tự thân phát triển tên lửa tầm trung.

Hàn Quốc đã có kho vũ khí hùng hậu, lại mới được Mỹ dỡ bỏ hạn chế về tầm hoạt động và trọng lượng đầu đạn tên lửa - những quy định vốn được đưa ra do lo ngại Seoul có thể kích động chiến tranh với Bình Nhưỡng.

Nhật Bản cũng đang đi theo xu thế này, dù có chậm hơn. Trong bối cảnh Mỹ muốn các đồng minh san sẻ nhiểu hơn gánh nặng an ninh khu vực, vũ khí của Nhật Bản và Hàn Quốc mới là yếu tố quan trọng để Washington chống lại mối đe dọa ở châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục