Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 8/4 đã hoan nghênh việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nối lại hỗ trợ tài chính cho Palestine.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu UNRWA, ông Philippe Lazzarini bày tỏ vui mừng "một lần nữa được cộng tác với Mỹ cung cấp hỗ trợ quan trọng cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất ở Trung Đông."
Theo ông, quyết định này của Mỹ được đưa ra vào "thời điểm quan trọng," khi UNRWA đang phải đối phó với những thách thức mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Ông Lazzarini nêu rõ sự hỗ trợ của Mỹ sẽ giúp UNRWA hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hàng triệu người tị nạn mỗi ngày.
Trước đó, ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định nối lại viện trợ cho Palestine ở mức 235 triệu USD. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong số này, Mỹ sẽ đóng góp 150 triệu USD cho UNRWA; viện trợ 75 triệu USD để hỗ trợ kinh tế và phát triển tại Bờ Tây và Dải Gaza; 10 triệu USD cho những nỗ lực xây dựng hòa bình.
Tổng thống Biden cho rằng khoản viện trợ này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người Palestine, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường ổn định, an ninh và hiểu biết giữa Israel và Palestine.
[Mỹ cắt giảm tiền viện trợ để gây sức ép đối với Palestine]
Số tiền viện trợ nói trên vẫn thấp hơn con số 355 triệu USD mà Mỹ đóng góp cho UNRWA vào năm 2016. Thời điểm đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA. Quyết định của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cắt tài trợ cho UNRWA đã khiến ngân quỹ của cơ quan này thiếu hụt nghiêm trọng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price không loại trừ khả năng nước này sẽ đóng góp thêm cho UNRWA, song cho biết Washington đang khuyến khích các nhà tài trợ ủng hộ thêm.
Trước đó, Mỹ đã hỗ trợ Palestine 15 triệu USD để phòng chống dịch COVID-19. Đây là khoản viện trợ nhân đạo đầu tiên của Mỹ cho Palestine kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Quyết định trên cho thấy thiện chí của chính quyền Tổng thống Biden trong việc khôi phục quan hệ với Palestine rơi xuống mức thấp nhất dưới thời chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Ngoài việc nối lại viện trợ, Washington cũng có kế hoạch mở lại cơ quan đại diện ngoại giao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và hỗ trợ tiến trình hòa đàm giữa Israel với Palestine để đạt được giải pháp hai nhà nước.
Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã hoan nghênh quyết định của Mỹ, trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng quyết định trên đã gửi đi thông điệp đúng đắn trong bối cảnh nhu cầu cứu trợ nhân đạo gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.