Ngày 9/1, Bộ Lao động Mỹ đã ban hành quy định, buộc các công ty phải ứng xử với một số lao động như nhân viên chính thức, không phải là lao động tự do, vốn phải trả ít chi phí hơn. Động thái trên có thể vấp phải sự phản đối các nhóm doanh nghiệp cũng như kéo theo các thách thức pháp lý.
Quy định này được cho là có thể làm tăng chi phí lao động cho các ngành dựa vào lao động tự do, như vận tải đường bộ, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và các công việc tạm thời dựa trên nền tảng trực tuyến.
Hầu hết các luật lao động của liên bang và bang, trong đó yêu cầu mức lương tối thiểu và trả tiền ngoài giờ, đều chỉ áp dụng với nhân viên chính thức. Các nghiên cứu cho thấy việc tuyển dụng nhân viên chính thức có thể khiến chi phí các công ty phải bỏ ra cao hơn 30% so với thuê lao động tự do.
Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu về việc làm khả quan hơn dự kiến
Do đó, quy định trên yêu cầu các chủ lao động phải coi một số đối tượng là nhân viên chính thức nếu họ "phụ thuộc hoàn toàn về kinh tế" vào công ty.
Dự kiến quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 11/3 tới. Trả lời phỏng vấn của báo giới ngày 8/1, quyền Bộ trưởng Lao động Mỹ Julie Su cho rằng việc xếp các lao động là lao động tự do mà không phải nhân viên chính thức có thể gây ảnh hưởng đối với những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, một số nhóm doanh nghiệp cho rằng quy định này có thể cản trở cơ hội của hàng triệu lao động. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Marc Freedman cho biết phòng này đang xem xét phản đối quy định trên tại tòa./.