Mỹ quay sang Nhật khi triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mờ mịt

Ông Trump dường như không còn hy vọng gì cho một thỏa thuận thương mại có thể cung cấp một số trợ giúp cho các nông dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách bảo hộ của ông.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh ngày 14/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng theguardian.com/worldpoliticsreview.com đưa tin lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các biện pháp bảo hộ của ông đang làm tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn là cho Mỹ, đã nhận được sự ủng hộ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Cụ thể là các dự báo mới cho thấy sự suy giảm trong nền kinh tế toàn cầu đang tập trung ở các nền kinh tế mới nổi như thế nào.

Theo các dự báo của IMF, những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã nâng dự báo tăng trưởng cho Mỹ trong năm 2019, từ 2,3% lên 2,6%, trong khi hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 6,3% xuống 6,2%.

Tại Trung Quốc, những tác động tiêu cực của việc gia tăng thuế quan và làm suy yếu nhu cầu bên ngoài đã gây thêm áp lực cho nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái cơ cấu và cần tăng cường điều tiết để kiềm chế sự phụ thuộc cao vào nợ.

[Tổng thống D.Trump cáo buộc Trung Quốc chưa mua hàng nông sản Mỹ]

IMF cho biết tăng trưởng đã tốt hơn dự kiến ở Mỹ và Nhật Bản trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, dù nâng cao dự báo tăng trưởng của Mỹ, IMF vẫn cảnh báo Nhà Trắng về những rủi ro của một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Vài tuần sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý ký hết thỏa thuận đình chiến thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, các cuộc đàm phán vẫn bị đình chỉ và có những suy đoán cho rằng cả hai bên đều không muốn có một thỏa thuận thương mại.

Tuần trước, xuất hiện những báo cáo cho rằng các nhà đàm phán Mỹ và Nhật Bản đang đẩy mạnh những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại nhỏ mà ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể ký kết trong cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York vào tháng Chín tới. Những thông tin này có vẻ không giống như một sự trùng hợp.

Ông Trump dường như không còn hy vọng gì cho một thỏa thuận thương mại có thể cung cấp một số trợ giúp cho các nông dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách bảo hộ của ông.

Trong bối cảnh Trung Quốc trở thành một trong những thị trường lớn nhất cho các hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ, nỗi đau từ cuộc chiến thương mại này đặc biệt nhức nhối với nông dân.

Việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi cuối năm ngoái đã có thể mang lại một số cứu trợ cho các nhà xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định rút khỏi TPP ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức.

Kết quả là, các nhà xuất khẩu Mỹ không có được sự tiếp cận thị trường bổ sung mà họ có thể nhận được ở Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác trong TPP, hiệp định mà sau khi Mỹ rút ra có tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Washington và Bắc Kinh càng bất hòa trong lĩnh vực thương mại lâu bao nhiêu, khả năng các nhà xuất khẩu Mỹ lấy lại những thị phần mà họ đã đánh mất do sự trả đũa của Mỹ càng ít bấy nhiêu. Xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ 19,6 tỷ USD năm 2017 xuống còn 9,3 tỷ USD vào năm ngoái. Có vẻ như sự bế tắc này còn kéo dài lâu hơn nữa.

Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ có thể tới Bắc Kinh đàm phán vào cuối tháng Bảy này.

Tuy nhiên, không rõ sẽ có được bao nhiêu tiến bộ bởi các quan chức Mỹ và Trung Quốc dường như không thể thống nhất được vấn đề khởi đầu cho các cuộc đàm phán sẽ là gì.

Trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử sắp tới, đâu sẽ là khu vực bầu cử quan trọng của ông Trump?

Nông dân Mỹ đang không chỉ mất quyền tiếp cận ở Nhật Bản và các thị trường châu Á khác do ông Trump rút khỏi TPP.

Kể từ khi 11 quốc gia còn lại tiến tới một thỏa thuận TPP phiên bản 2, các nhà xuất khẩu của Mỹ hiện đang gặp bất lợi vì các sản phẩm của họ vẫn phải đối mặt với các mức thuế cao trong khi các nước thuộc CPTPP đang giảm thuế cho nhau. Và bất lợi cạnh tranh có thể khá lớn vì CPTPP bao gồm các cường quốc nông nghiệp, như Australia, Canada và New Zealand.

Vấn đề của CPTPP là một vấn đề lớn đối với nông dân Mỹ bởi so với Trung Quốc, Nhật Bản là thị trường lớn hơn cho xuất khẩu nông sản của Mỹ. Điều đó giải thích cho những nỗ lực đàm phán hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, ưu tiên của Nhật Bản chính là rốt cuộc sẽ thuyết phục được Mỹ quay lại TPP.

Để tạo điều kiện cho khả năng đó, chính phủ Abe đã từ chối đàm phán một hiệp định thương mại song phương lớn như ông Trump muốn có, bao gồm các dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và đầu tư.

Nhật Bản cũng đặt ưu tiên cao cho việc đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì lý do đó, Tokyo đã phản đối một thỏa thuận chỉ giải quyết các rào cản nông nghiệp.

Thực tế hơn, một thỏa thuận chỉ dành cho nông nghiệp sẽ là một vấn đề khó khăn về mặt chính trị vì Nhật Bản là nhà nhập khẩu tịnh lớn các sản phẩm nông nghiệp và một thỏa thuận như vậy sẽ chỉ có lợi cho Mỹ.

Tuy nhiên, hiện lại xuất hiện tin đồn rằng Tokyo và Washington đang thảo luận về một thỏa thuận nhỏ có thể bao gồm lĩnh vực ô tô cũng như nông nghiệp.

Các nhà đàm phán Nhật Bản đã nói rõ rằng họ sẽ không cấp thêm bất kỳ sự tiếp cận thị trường nông sản nào, ngoài những gì Mỹ đã đàm phán như một phần của TPP.

Về lĩnh vực ôtô, không rõ hai bên đang thảo luận những gì và liệu Nhật Bản có đưa ra những nhượng bộ, như yêu cầu ban đầu của các nhà đàm phán Mỹ hay không.

Tuy nhiên, Nhật Bản chắc chắn sẽ nhấn mạnh rằng Nhà Trắng cam kết không được áp thuế đối với xuất khẩu ôtô của Nhật Bản trên cơ sở an ninh quốc gia tồn tại trên danh nghĩa, dựa vào Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại.

Làm thế nào một thỏa thuận như vậy có khả năng xảy ra? Câu trả lời phụ thuộc một phần vào sự tuyệt vọng của ông Trump.

Thu hoạch đậu tương tại một nông trang ở bang Iowa, Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Chính quyền của ông cuối cùng sẽ phải trao khoản bồi thường trị giá 28 tỷ USD cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, một số nông dân không đủ điều kiện để thanh toán còn những người khác vẫn không hài lòng và nói rằng họ muốn giao thương, chứ không phải viện trợ.

Vì vậy, Nhà Trắng có thể sẵn sàng cam kết sẽ miễn thuế nhập khẩu ô tô của Nhật Bản để đổi lấy quyền tiếp cận gia tăng đối với hàng hóa nông nghiệp của Mỹ tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, tại sao ông Abe lại tin một lời hứa như vậy? Vào cuối tháng Năm vừa qua, thời điểm mà Mỹ, Mexico và Canada thực hiện các bước để phê chuẩn phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), ông Trump đột ngột đe dọa sẽ áp thuế 5% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico trừ khi họ ngăn chặn dòng người di cư đến biên giới phía Nam của Mỹ.

Bên cạnh TPP, Tổng thống Mỹ cũng đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

IMF cho biết các hoạt động chính sách quốc gia và đa phương là rất quan trọng để đặt tăng trưởng toàn cầu trên một nền tảng vững chắc hơn. Nhu cầu cấp bách bây giờ là giảm căng thẳng thương mại và công nghệ, đồng thời nhanh chóng giải quyết những bất ổn xung quanh các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, có lẽ trong năm tới, các vấn đề thương mại vẫn sẽ tiếp tục bế tắc và nhiều mức thuế sẽ được đưa ra bởi vẫn chẳng có bằng chứng nào cho thấy ông Trump hiểu cách chúng thực sự hoạt động như thế nào.

Đối với các nông dân và người tiêu dùng Mỹ, điều này có nghĩa là vẫn sẽ chẳng có sự cứu trợ nào xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục