Mỹ: Phương pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương đem lại hiệu quả

Theo các nhà khoa học Mỹ, phương pháp điều trị sớm với huyết tương của những người đã từng mắc COVID-19 có thể giúp giảm tới 50% số lượng bệnh nhân phải điều trị nội trú.
Mỹ: Phương pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương đem lại hiệu quả ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo một kết quả nghiên cứu được đăng trên trang web MedRxiv, việc sử dụng sớm liệu pháp điều trị bằng huyết tương của người đã hồi phục sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể giúp giảm thiểu số bệnh nhân nhập viện do mắc COVID-19.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng do trường Đại học Y khoa Johns Hopkins và Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg dẫn đầu, thực hiện tại nhiều trung tâm y khoa trên khắp nước Mỹ, đã cung cấp những bằng chứng chắc chắn về hiệu quả của phương pháp điều trị sớm với huyết tương của những người đã từng mắc COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp này có thể giúp giảm tới 50% số lượng bệnh nhân phải điều trị nội trú.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông David Sullivan - giáo sư về vi sinh học phân tử và miễn dịch học tại Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg - cho rằng huyết tương của những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 rất giàu kháng thể, do đó đây có thể được xem là “một phần của kho vũ khí dành cho những bệnh nhân ngoại trú."

Ông nêu rõ: "Do các diễn biến của dịch COVID-19 thay đổi thường xuyên và không thể lường trước, nên cần phải có nhiều lựa chọn trong phương pháp điều trị - đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi các biện pháp hàng đầu, chẳng hạn như vaccine và kháng thể đơn dòng, có thể không có sẵn. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng chắc chắn về phương pháp sử dụng huyết tương của người từng mắc bệnh."

[Nghiên cứu sự liên quan giữa các biến thể của virus SARS-CoV-2 và HIV]

Trong nghiên cứu điều trị sớm cho bệnh nhân ngoại trú được thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2021, các nhà nghiên cứu đã cung cấp ngẫu nhiên cho 1.181 bệnh nhân COVID-19 mỗi người một liều huyết tương cao đa dòng từ những người từng mắc bệnh (chứa một hỗn hợp cô đặc của các kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2) hoặc huyết tương giả dược (không có kháng thể chống lại SARS-CoV-2).

Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm là những người từ 18 tuổi trở lên và đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng 8 ngày trước khi được tiếp nhận liệu pháp điều trị bằng huyết tương này. Liệu pháp này sẽ được coi là thành công sau khi bệnh nhân không cần nhập viện điều trị trong vòng 28 ngày, kể từ sau khi được truyền huyết tương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 17 bệnh nhân trong số 592 người (tương đương 2,9%) đã phải nhập viện trong vòng 28 ngày sau khi được truyền huyết tương, trong khi tỷ lệ này ở những người tiếp nhận giả dược là 6,3% (37 trên 589 người). Qua đó, tỷ lệ giảm thiểu nguy cơ nhập viện được tính ở mức trung bình là 54%.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện trên cho thấy “đây một phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh COVID-19 với các ưu điểm là chi phí thấp, tính khả dụng rộng rãi và khả năng phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục