Mỹ phê duyệt dự án năng lượng Mặt Trời khổng lồ ở Nevada

Trong giấy phép do Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt ký, dự án năng lượng Mặt Trời Gemini sẽ được triển khai trên một vùng đất sa mạc rộng khoảng 28km2, cách khu vực Đông Bắc Las Vegas khoảng 53km.
Mỹ phê duyệt dự án năng lượng Mặt Trời khổng lồ ở Nevada ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Clean Energy Authority)

Bộ Nội vụ Mỹ (DOI) đã thông qua lần cuối dự án năng lượng Mặt Trời lớn nhất ở Mỹ, trị giá lên tới 1 tỷ USD ở tại tiểu bang Nevada, có thể cung cấp điện cho khoảng 260.000 hộ gia đình, đủ để đáp ứng nhu cầu của dân cư Las Vegas.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong giấy phép do Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt ký ngày 11/5, dự án năng lượng Mặt Trời Gemini sẽ được triển khai trên một vùng đất sa mạc rộng khoảng 28km2, cách khu vực Đông Bắc Las Vegas khoảng 53km.

Bộ trưởng Bernhardt nhấn mạnh dự án này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như môi trường, tạo ra khoảng 900 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất ra nguồn năng lượng sạch có thể bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khoảng 83.000 chiếc xe hơi.

[Australia phê duyệt dự án phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất]

Việc khởi công dự án có thể sẽ bắt đầu sau khoảng một tháng nhận được giấy phép cuối cùng, với giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng một năm và hoạt động hết công suất vào năm 2023. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bernhardt cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến quá trình này kéo dài hơn.

Hỗ trợ tài chính cho dự án trên có NV Energy Inc., một công ty con của tập đoàn Berkshire Hathaway Inc của nhà tỷ phú Warren Buffet và Quinbrook Infrastructure Partners, một công ty cổ phần tư nhân. Năm ngoái, hai công ty này đã ký một thỏa thuận có thời hạn 25 năm để phát triển 690 megawatts điện năng lượng Mặt Trời.

Hầu hết các hộ tiêu dùng kinh doanh đã lên tiếng kêu gọi sản xuất điện gió và điện Mặt Trời nhiều hơn để giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu và giảm chi phí.

Năm ngoái, Nevada đã cùng với một số tiểu bang khác tại Mỹ thông qua các dự luật cam kết sử dụng năng lượng không tạo ra khí thải, yêu cầu khoảng một nửa nguồn điện sản xuất phải từ năng lượng tái tạo vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục