Các kỹ sư sinh học tại Đại học Stanford (Mỹ) đã tạo ra một máy ly tâm phân tách máu chi phí thấp, điều khiển bằng tay với tốc độ lên đến 125.000 vòng mỗi phút (rpm), mở ra triển vọng điều trị hiệu quả nhiều bệnh truyền nhiễm tại các vùng thiếu thốn cơ sở hạ tầng và thiết bị.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Biomedical Engineering số ra ngày 10/1, máy ly tâm máu thủ công này có khả năng tách huyết tương từ các tế bào màu đỏ trong 1,5 phút, nhờ áp dụng các nguyên tắc quay cơ học tương tự của bông vụ.
Manu Prakash, giáo sư công nghệ sinh học tại Đại học Stanford và là tác giả của nghiên cứu trên, cho biết đây là máy ty tâm tách máu điều khiển bằng tay có tốc độ quay nhanh nhất thế giới hiện nay.
Máy ly tâm máu là thiết bị rất quan trọng trong việc phát hiện bệnh như sốt rét, bệnh ngủ châu Phi, virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và bệnh lao.
Theo giáo sư Prakash, có hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong cảnh thiếu thốn cơ sở hạ tầng, đường xá, điện. Do đó, một máy ly tâm phân tách máu điều khiển bằng tay chi phí thấp là yếu tố cần thiết trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh tại các vùng nghèo đói.
Cùng với Saad Bhamla, một nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của ông, giáo sư Prakash đã tìm kiếm ý tưởng thiết kế máy ly tâm từ các đồ chơi quay như con lắc yo-yo, con quay.
Xét từ quan điểm kỹ thuật, giáo sư Prakash khẳng định phát minh này hoàn toàn có thể cạnh tranh với các máy ly tâm hiện đại có giá từ 1.000-5.000 USD.
Với những cải tiến trong tương lai, các máy ly tâm tách máu giá thấp này có thể trở thành công cụ đắc lực giúp chẩn đoán và điều trị chính xác nhiều bệnh phổ biến tại các vùng hẻo lánh, nghèo đói./.