Lầu Năm Góc có kế hoạch phát triển các thiết bị tiêu hủy vũ khí hóa học tại chỗ, qua đó tránh được khâu vận chuyển phức tạp loại vũ khí này.
Trong tuyên bố ngày 10/12, Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tối tân (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các thiết bị này cho phép tiêu hủy tại chỗ, trong đó các chất hóa học được chuyển hóa thành "đầu ra an toàn."
Theo DARPA, các phương pháp hiện nay như thiêu hủy hay thủy phân tốn rất nhiều nước đồng thời tạo ra chất thải nguy hiểm vẫn cần được tiếp tục xử lý.
Năm 2014, phần lớn số vũ khí hóa học của Syria giao cho cộng đồng quốc tế, ước tính khoảng 1.300 tấn, đã được vô hiệu hóa trên một tàu của Hải quân Mỹ, trong đó xử lý những chất hóa học nhóm 1 (những chất nguy hiểm nhất) gồm chất DF và khí lưu huỳnh bằng hai hệ thống thủy phân lắp đặt trên tàu vận tải chuyên dụng Cape Ray của Mỹ trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Địa Trung Hải.
Nhóm các chất hóa học thứ hai (ít nguy hiểm hơn) được tiêu hủy trong các nhà máy công nghiệp của Anh, Mỹ, Phần Lan và Syria. Những chất thải của quá trình này được xử lý ở các nơi khác nhau trên thế giới.
Hồi tháng 10/2013, Syria đã chấp nhận một thỏa thuận quốc tế do Mỹ và Nga đề xuất sau vụ tấn công bằng khí sarin ở ngoại ô thủ đô Damacus làm hàng trăm người thiệt mạng, theo đó chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc chống vũ khí hóa học và cam kết chuyển giao toàn bộ số vũ khí hóa học của nước này cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để tiêu hủy./.