Mỹ phạt Alstom của Pháp hơn 770 triệu USD do hối lộ

Mỹ phạt tập đoàn Alstom của Pháp hơn 770 triệu USD do hối lộ

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Alstom đã hối lộ các quan chức ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Bahamas, Ai Cập, Indonesia, Saudi Arabia và Đài Loan để thắng thầu các dự án điện và giao thông.
Mỹ phạt tập đoàn Alstom của Pháp hơn 770 triệu USD do hối lộ ảnh 1(Nguồn: bbc.com)

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) ngày 22/12 thông báo Tập đoàn công nghiệp Pháp Alstom đã chấp thuận nộp phạt hơn 772 triệu USD để dàn xếp những cáo buộc liên quan đến hành vi hối lộ các quan chức nước ngoài.

Trong thông cáo, DOJ nêu rõ trong suốt hơn một thập kỷ qua, Alstom đã hối lộ các quan chức ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Bahamas, Ai Cập, Indonesia, Saudi Arabia và Đài Loan (Trung Quốc) để thắng thầu các dự án điện và giao thông. Cụ thể, tập đoàn này đã chi hơn 75 triệu USD hối lộ để được ưu ái "ôm" các dự án tổng trị giá 4 tỷ USD trên khắp thế giới với lợi nhuận kiếm được vào khoảng 300 triệu USD.

DOJ cho biết mức phạt trên được đưa ra do Alstom đã không tự nguyện khai báo hành vi hối lộ, từ chối hợp tác điều tra với Chính quyền Mỹ trong nhiều năm, cũng như thiếu các biện pháp hiệu quả đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Nếu được tòa án Mỹ thông qua, đây là án phạt cao nhất từ trước đến nay đối với hành vi hối lộ nước ngoài.

Một công ty con của Alstom tại Anh cũng đang đối mặt với một cuộc điều tra tương tự. Văn phòng chống gian lận của Anh (SFO) đã cáo buộc công ty trên cùng hai nhân viên về tội hối lộ các quan chức để giành một dự án nhà máy điện tại Litva. Đây là vụ bê bối thứ hai của Alstom ở Anh, sau vụ hồi tháng Bảy SFO khởi kiện công ty trên vi phạm pháp luật liên quan đến các dự án giao thông ở Ấn Độ, Ba Lan và Tunisia.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Giám đốc điều hành Alstom Patrick Kron bày tỏ lấy làm tiếc về những vụ việc trên, đồng thời khẳng định tập đoàn sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh đều tuân thủ các quy định cũng như phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Ông Kron cũng cho biết hiện tập đoàn này đã thuê giám sát viên để thẩm định các hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua đã có hàng loạt cuộc điều tra hành vi hối lộ của Tập đoàn Alstom và các công ty con trên toàn thế giới. Tháng 2/2014, nhà chức trách Brazil đã truy tố 11 đối tượng với các cáo buộc hối lộ để thắng thầu dự án xây dựng tàu điện ở Sao Paulo. Năm 2011, một công ty con của tập đoàn này cũng đã bị chính quyền Thụy Sĩ "sờ gáy" và phải nộp phạt gần 43 triệu USD vì hành vi tương tự.

Cùng ngày 22/12, Leumi - tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai của Israel, cũng đã chấp thuận nộp phạt 270 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc về việc ngân hàng giúp nhiều công dân Mỹ trốn thuế.

Thông cáo của DOJ nêu rõ trong thời gian từ năm 2000 đến đầu năm 2011, Leumi đã cử các giám đốc ngân hàng tư nhân từ Israel và các nơi khác đến gặp các công dân Mỹ và giúp họ che giấu tài sản ở các chi nhánh của Leumi ở Israel, Thụy Sĩ và Luxembourg. Ngân hàng này còn giúp các công dân Mỹ khai man thu nhập nhằm trốn thuế. Hiện Leumi đã đồng ý tích cực hợp tác điều tra với Chính phủ Mỹ và cam kết cung cấp thông tin của hơn 1.500 tài khoản ngân hàng của các công dân Mỹ.

Thời gian gần đây nhà chức trách Mỹ điều tra nhiều ngân hàng nước ngoài bị cáo buộc nhận tiền gửi bất hợp pháp không khai báo của các công dân Mỹ và giúp những người này trốn thuế. Hồi tháng Năm vừa qua, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse đã phải nộp phạt 2,6 tỷ USD với lý do này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục