Mỹ, Pháp nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 12/7 đã bắt đầu đối thoại với các ngoại trưởng của 4 nước Arab nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại vùng Vịnh kể từ khi GCC thành lập.
Một góc thủ đô Doha của Qatar. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 12/7 đã bắt đầu đối thoại với các ngoại trưởng của 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại vùng Vịnh kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập vào năm 1981.

Kuwait - nước hiện đang làm trung gian hòa giải của cuộc khủng hoảng và không cô lập Qatar đã cử phái viên tham gia cuộc đối thoại.

Phát biểu trước thềm cuộc đối thoại tại Jeddah (Saudi Arabia), một quan chức ngoại giao UAE khẳng định bất kỳ giải pháp nào đối với cuộc khủng hoảng hiện nay đều phải giải quyết toàn bộ các vấn đề mà Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập coi là cốt yếu, trong đó có việc Doha đang phá vỡ sự ổn định của khu vực.

[Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh có nguy cơ rơi vào thế bế tắc]

Hôm 5/6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.

Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố.

Trước đó, tại Jeddah, Ngoại trưởng Tillerson đã hội kiến Quốc vương Saudi Arabia Salman. Hai bên đã thảo luận các tiến triển khu vực, đặc biệt là nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố và việc tài trợ khủng bố.

Cũng trong chuyến công du vùng Vịnh, sau khi tới Kuwait ngày 11/7, Ngoại trưởng Tillerson đã lên đường sang Doha, Qatar. Tại đây ông đã ký bản ghi nhớ chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ cho khủng bố.

Tuy nhiên, ngay sau đó, 4 quốc gia Arab gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã ra tuyên bố chung cho rằng thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar là không đủ, đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Qatar vẫn sẽ được duy trì, cũng như đề cập lại "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách đối với Qatar.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci cho biết nước này đã điều 197 chuyến bay mang theo hàng hóa, 16 xe tải và 1 chiếc tàu tới Qatar nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nước này.


[Qatar đưa tối hậu thư, dọa rút khỏi GCC nếu không được đáp ứng]

Về phần mình, phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Zeybekci tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, người đồng cấp Qatar Ahmed bin Jassim al-Thani cho biết các hoạt động giao thương trên biển cũng như trên không vẫn tiếp tục, không có bất kỳ sự đình trệ nào bất chấp các lệnh trừng phạt.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ủng hộ Qatar sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain cắt đứt tất cả mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Doha.

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự kiến, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng sẽ tới thăm 4 nước gồm Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và UAE trong hai ngày 15 và 16/7.

Văn phòng Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Paris kêu gọi các nước vùng Vịnh nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng vì lợi ích của mỗi nước.

Tuyên bố cũng khẳng định chuyến công du 4 nước của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phù hợp với các chiến lược tương tự được Mỹ, Anh, Đức đưa ra đối với khu vực vùng Vịnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục