Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần lượt có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi về tình hình căng thẳng tại Libya.
Trong thông báo sau cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Pháp, Nhà Trắng nhấn mạnh cuộc xung đột tại Libya giữa Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA, được quốc tế công nhận) ở thủ đô Tripoli và lực lượng đóng căn cứ ở miền Đông của Tướng Khalifa Haftar đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự can dự của các lực lượng bên ngoài.
Trước đó, lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Italy đã ra tuyên bố chung kêu gọi bên ngoài chấm dứt gia tăng can thiệp vào tình hình tại Libya và tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt đối với quốc gia Bắc Phi này.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi lập tức giảm căng thẳng tại Libya, thông qua lệnh ngừng bắn và phục hồi kinh tế cũng như các cuộc đàm phán chính trị.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi đã nhắc lại lập trường chiến lược và kiên định của Ai Cập đối với vấn đề Libya là khôi phục các trụ cột ở nước láng giềng này, duy trì các cơ quan nhà nước, đồng thời tránh để tình hình an ninh trở nên xấu hơn.
Về phần mình, Tổng thống Trump đã bày tỏ chia sẻ quan ngại về các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Libya, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập thúc đẩy tiến trình chính trị ở Libya. Theo Phủ Tổng thống Ai Cập, hai bên đã nhất trí duy trì ngừng bắn tại Libya.
[Đức, Pháp, Italy dọa trừng phạt các nước can thiệp vào tình hình Libya]
Trước đó, Quốc hội Ai Cập vừa “bật đèn xanh” cho Tổng thống El-Sisi triển khai binh sỹ ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình ở nước này.
GNA, với sự hậu thuẫn của Ankara, đang mở rộng phạm vi kiểm soát ở nước này, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố biển Sirte, bước đi mà Cairo coi là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Thành phố này và căn cứ quân sự Jufra hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của LNA.
Ai Cập cùng với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga ủng hộ lực lượng miền Đông của tướng Haftar. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn cho GNA.
Trong một diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi ngừng "ngay lập tức" các hỗ trợ cho lực lượng của Tướng Haftar.
Sau cuộc gặp ngày 20/7 với Bộ trưởng Nội vụ của GNA Fathi Bachagha và Bộ trưởng Nội vụ và an ninh quốc gia Malta, ông Byron Camilleri, ở thủ đô Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nhấn mạnh cần chấm dứt mọi hình thức viện trợ và hỗ trợ cho tướng Haftar.
Ông đồng thời khẳng định Ankara sẽ tiếp tục hợp tác với GNA trong công tác huấn luyện, hợp tác và tư vấn quân sự./.