Mỹ phản bác lại những cáo buộc của Trung Quốc tại WTO

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã phản bác những cáo buộc của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chính sách thuế gần đây của Washington.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ở Washington, D.C. (Nguồn: commons.wikimedia.org)

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã phản bác những cáo buộc của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về chính sách thuế gần đây của Washington, cho rằng yêu cầu tham vấn của Trung Quốc tại cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại trên là "vô căn cứ."

Đây là diễn biến mới nhất trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan các quyết định áp thuế hàng hóa nhập khẩu lẫn nhau của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Tuyên bố ngày 4/4 của USTR nêu rõ yêu cầu tham vấn của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ vì những chính sách áp thuế mới của Mỹ nhằm giúp nước "giải quyết mối đe dọa an ninh từ thép và nhôm nhập khẩu." USTR nhấn mạnh đây không phải là hành động bảo hộ thương mại nội địa. Thêm vào đó, cơ quan này cũng chỉ trích quyết định của Trung Quốc trong tuần qua tăng thuế đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 3 tỷ USD của Mỹ, cho rằng quyết định này là không công bằng.

Yêu cầu tham vấn là bước đi đầu tiên trong tiến trình giải quyết tranh chấp tại WTO. Theo quy định của WTO, các nước được phép áp dụng các mức thuế tạm thời đối với hàng hóa nhập khẩu trong tình huống khẩn cấp khi những hàng hóa này đe dọa ngành công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, cơ quan có quyền tài phán này cũng cho phép các nước đưa ra chính sách siết chặt hàng hóa nhập khẩu dựa theo những quan ngại về an ninh quốc gia.

Tuyên bố của USTR nhằm phản bác cáo buộc của Bắc Kinh được Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần đưa ra ngày 4/4. Quan chức thương mại Trung Quốc khẳng định các biện pháp đơn phương nhằm vào Trung Quốc theo Điều 301 là sư vi phạm một cách trắng trợn và có chủ đích nguyên tắc cơ bản của WTO về không phân biệt đối xử và thuế quan giới hạn. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc áp đặt chính sách thuế quan do các vấn đề an ninh quốc gia tạo ra mối đe dọa có hệ thống đối với hệ thống thương mại hoàn cầu vận hành có quy tắc do WTO - cơ quan bao gồm 164 nước thành viên - bảo vệ.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngày 4/4 khẳng định lập trường của Bắc Kinh mong muốn giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua đàm phán, đồng thời cho rằng hai bên cần phải tránh một cuộc chiến tranh thương mại.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp kéo dài 1 giờ đồng hồ với quyền Ngoại trưởng Mỹ John Sullivan, Đại sứ Trung Quốc cho biết hai bên đã thảo luận về các vấn đề trong mối quan hệ giữa hai nước mà ông cho là "toàn diện và phức tạp." Một trong các điểm nhấn của cuộc trao đổi là quan hệ thương mại song phương.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố thông báo kết quả cuộc gặp, trong đó hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì "mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc" để có được những kết quả tốt đẹp. Quan chức hai nước đã thảo luận về sự cần thiết phải khôi phục "sự công bằng và cân bằng" trong quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu trong thời gian gần đây đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, sự đối đầu vẫn chưa thể dẫn tới kịch bản tồi tệ này, do các hành động đáp trả lẫn nhau mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm cụ thể và cách thức đáp trả của Trung Quốc vẫn chỉ mang tính "biểu tượng."

Trung Quốc và Mỹ sẽ có hội đầu tiên giải quyết những bất đồng sâu sắc về thương mại bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), diễn ra tại Washington từ 20-22/4 tới. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc họp nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục