Mỹ: OPEC+ cần hành động nhiều hơn để hỗ trợ kinh tế phục hồi

Một quan chức Nhà Trắng (Mỹ) bày tỏ lo ngại về đà tăng của giá dầu với một số thành viên của OPEC và các đối tác, trong bối cảnh giá dầu Brent và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã chạm mức đỉnh của nhiều năm.
Một cơ sở lọc dầu của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Một quan chức Nhà Trắng ngày 12/10 kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu mỏ hành động nhiều hơn để hỗ trợ đà phục hồi cho kinh tế toàn cầu, giữa bối cảnh giá dầu tăng lên mức đỉnh của nhiều năm.

Theo quan chức trên, Nhà Trắng đang theo sát biến động của giá xăng dầu và cam kết sử dụng tất cả công cụ để ứng phó với hành vi chống cạnh tranh nhằm đảm bảo tính ổn định của thị trường năng lượng.

Quan chức này cũng bày tỏ lo ngại về đà tăng của giá dầu với một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+.

Giá dầu Brent đã tăng lên mức chưa từng có kể từ năm 2018, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, do nhiều yếu tố.

[OPEC+ duy trì tăng sản lượng, giá dầu châu Á mở rộng đà tăng]

Nhu cầu tiêu thị năng lượng toàn cầu đã phục hồi mạnh hơn dự kiến, sau tác động của đại dịch COVID-19. Giá khí đốt tự nhiên cũng gia tăng giữa bối cảnh một số quốc gia chuyển đổi từ sử dụng dầu mỏ sang khí đốt.

Trong khi đó, OPEC+ vẫn đang duy trì chương trình cắt giảm nguồn cung. Tính đến tháng Bảy, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày để dần dần thu hẹp chương trình cắt giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày.

Hiện các nhà sản xuất dầu hàng đầu như Saudi Arabia vẫn lo ngại về tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với triển vọng nhu cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài chính của các nước thành viên, vốn đang hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu.

Sản lượng dầu thô của Mỹ hiện rời mức xa mức đỉnh 13 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019, kể cả khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục hồi về mức trước khi đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục