Mỹ nói 'không' với thương vụ Broadcom thâu tóm Qualcomm

Tổng thống Mỹ chặn đứng nỗ lực của hãng cung ứng chip Wi-Fi Broadcom có trụ sở tại Singapore nhằm thâu tóm nhà sản xuất chip điện tử dùng trong các thiết bị di động hàng đầu thế giới Qualcomm.
Mỹ nói 'không' với thương vụ Broadcom thâu tóm Qualcomm ảnh 1Văn phòng của Qualcomm tại San Jose, California, Mỹ ngày 1/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn đứng nỗ lực của hãng cung ứng chip Wi-Fi Broadcom có trụ sở tại Singapore nhằm thâu tóm nhà sản xuất chip điện tử dùng trong các thiết bị di động hàng đầu thế giới Qualcomm, có trụ sở ở California (Mỹ).

Ông chủ Nhà Trắng đã ban hành một sắc lệnh nhằm ngăn chặn thương vụ nhiều tỷ USD này do lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa.

Tổng thống Trump yêu cầu Broadcom và Qualcomm ngay lập tức và chấm dứt vĩnh viễn thương vụ trên.

Sắc lệnh này đã được ban hành dù trước đó Broadcom khẳng định sẽ chuyển trụ sở về Mỹ trong đầu tháng 4 tới ngay trước khi các cổ đông của Qualcomm bỏ phiếu quyết định thương vụ trị giá 117 tỷ USD này.

Broadcom khẳng định mọi vấn đề về an ninh quốc gia đều không nên là lý do cản trở thỏa thuận vì công ty này không có ý định thâu tóm Qualcom trước khi chính thức chuyển trụ sở về Mỹ.

Hồi cuối tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã gửi thư nêu rõ 3 trường hợp riêng biệt mà Broadcom đã vi phạm quy định của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

Ủy ban này cũng từng điều tra thương vụ thâu tóm Qualcomm và xác nhận tồn tại những mối đe dọa an ninh quốc gia.

CFIUS, gồm đại diện các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Thương mại, Năng lượng và An ninh nội địa Mỹ, có nhiệm vụ đánh giá các thương vụ nước ngoài đề xuất mua lại tài sản tại Mỹ để đảm bảo chúng không đe dọa tới an ninh quốc gia.

[Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh ở thương vụ thâu tóm Broadcom-Qualcomm]

Trước đó, Qualcomm đã quyết định hoãn cuộc họp cổ đông ban đầu dự kiến diễn ra ngày 6/3 để xem xét thương vụ sáp nhập sau khi CFIUS yêu cầu xem xét lại "khía cạnh an ninh quốc gia."

Broadcom đã đề nghị mua lại Qualcom - nhà cung ứng modem chip cho các "đại gia" sản xuất smartphone như Apple, Samsung - từ hồi tháng 11 năm ngoái nhưng Qualcom đã từ chối vì cho rằng giá trị hợp đồng 103 tỷ USD không "xứng" với giá trị, vị trí tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cũng như triển vọng phát triển của hãng.

Tháng 2 vừa qua, Broadcom đã quyết định nâng giá chào mua đối thủ Qualcomm. Nếu các bên "thuận mua vừa bán" và được chính phủ "bật đèn xanh," đây sẽ là thương vụ mua bán và tiếp quản lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ.

Broadcom từng kỳ vọng thương vụ này sẽ giúp sáp nhập 2 "gã khổng lồ" của làng chip điện tử để trở thành một tập đoàn lãnh đạo ngành viễn thông toàn cầu, nắm trong tay các công nghệ và sản phẩm ấn tượng.

Thương hiệu sáp nhập từ đó sẽ có điều kiện tạo ra những giải pháp bán dẫn tiên tiến cho các khách hàng toàn cầu cũng như tăng giá trị cổ đông.

Qualcomm hiện nay đã bị suy yếu đáng kể sau khi đối mặt với một loạt các điều tra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về cáo buộc thao túng thị trường.

Năm ngoái, hãng bị phạt hơn 770 triệu USD tại Đài Loan (Trung Quốc), trong khi cả Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã áp đặt các mức phạt nặng cho Qualcomm với lý do tương tự.

Tại Mỹ, Qualcomm cũng đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với Apple từ đầu năm 2017, khi hãng bị kiện đã lợi dụng vị thế của mình để lấy thêm tiền của các nhà sản xuất phần cứng.

Qualcomm đã kiện ngược lại Apple và tạo ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài cho đến hiện nay. Mới đây nhất, ngày 24/1 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) thông báo phạt Qualcomm 997 triệu euro (1,2 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền trong hợp đồng cung cấp độc quyền các sản phẩm của mình cho Apple./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục