Mỹ nỗ lực ứng phó với biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng

Theo dự đoán, sẽ có khoảng 140.000 đến 300.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ trong tháng 8 này, khi các hoạt động thường nhật được khôi phục và tốc độ tiêm chủng không được cải thiện.
Mỹ nỗ lực ứng phó với biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng ảnh 1Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 20/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ đã đạt được một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-9.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ không nên sớm hài lòng với thành tích trên, ngược lại cần phải chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch mới do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta cũng như tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số cộng đồng và địa phương, nhất là ở một số bang miền Nam.

Trong khi đó, Mỹ cần ít nhất 80% dân số được tiêm phòng để thực sự đạt được một số dạng miễn dịch cộng đồng.

Trong những tuần gần đây, nước Mỹ ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vì COVID-19. Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 chiếm tới 80% các ca nhiễm mới ở Mỹ.

Tính tới thời điểm hiện nay, Mỹ đã vượt qua ngưỡng 35 triệu bệnh nhân COVID-19 với số ca mắc mới hằng ngày là hơn 100.000 ca.

Đây là con số cao nhất kể từ tháng 2/2021 khi chương trình tiêm chủng vaccine chưa được triển khai rộng rãi tại quốc gia này.

Số ca tử vong hằng ngày vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng 33% và số người nhập viện tăng trung bình tăng 46% trong 7 ngày qua so với tuần trước đó.

[Giới chuyên gia Australia lo ngại biến thể Delta có thể gây “ác mộng”]

Trên khắp đất nước, trung bình các bệnh viện tiếp nhận hơn 6.200 ca nhập viện vì mắc COVID-19 mỗi ngày, trong khi có hơn 300 ca tử vong. Những trường hợp này tập trung ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.

Theo dự đoán của giới chuyên gia y tế, sẽ có khoảng 140.000 đến 300.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ trong tháng 8 này khi các hoạt động thường nhật được khôi phục trên diện rộng và tốc độ tiêm chủng không được cải thiện.

Các đợt bùng phát dịch mới tại Mỹ hiện nay xảy ra chủ yếu ở những khu vực gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình tiêm chủng do có nhiều người lo ngại về sự an toàn của các loại vaccine cũng như vì một số lý do khác.

Mỹ nỗ lực ứng phó với biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 7/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các điểm nóng tại Mỹ với số ca mắc mới tính theo đầu người cao nhất là Louisiana, Florida, Arkansas và Mississippi và  có khoảng 60% số hạt tại Mỹ thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng ở mức cao. Đây là con số đáng lo ngại khi 5 tuần trước, tỷ  lệ này chỉ là 8%.

Sự gia tăng báo động số ca mắc COVID-19 khiến chính quyền bang Arkansas phải khôi phục tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, có hiệu lực trong 60 ngày,  ra lệnh tổ chức một phiên họp đặc biệt để sửa đổi Đạo luật 1002, vốn cấm việc bắt buộc người dân đeo khẩu trang, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của chính quyền liên bang.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do biến thể Delta gây ra, trong bài phát biểu tại cuộc họp nội các trực tiếp đầu tiên đánh dấu 6 tháng đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước và kêu gọi người dân Mỹ vẫn cần hết sức thận trọng.

Ông nêu rõ: “Chúng ta vẫn chưa vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm hoàn toàn bởi những gì đang xảy ra ở Mỹ là một đại dịch, một đại dịch của việc chưa tiêm phòng.”

Tổng thống Biden khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền hiện nay là thuyết phục được nhiều người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì đây được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo Tổng thống Biden, Mỹ hiện đã “sẵn sàng đối phó với tình trạng gia tăng số ca COVID-19 chưa từng có,” bởi không giống như một năm trước, quốc gia này hiện có khả năng giữ cho nền kinh tế phát triển và mục tiêu này có thể đạt được khi người dân đi tiêm phòng đầy đủ.

Nhằm khắc phục tình trạng trì trệ trong chương trình tiêm chủng quốc gia sau thời gian khởi đầu mạnh mẽ, chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm phòng, như chi 121 triệu USD cho hơn 100 tổ chức ở cộng đồng để thúc đẩy việc tiêm chủng ở các khu vực chiến dịch tiêm chủng chưa được triển khai.

Số tiền trên sẽ được dùng để thúc đẩy các tổ chức nghiên cứu và tổ chức ở địa phương phối hợp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân đi tiêm chủng tại các hạt nông thôn cũng như sự cộng tác của người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Latinh và bộ lạc.

Khoảng 100 triệu USD sẽ được cung cấp cho các phòng khám y tế nông thôn để giúp người dân tiếp cận với vaccine. Ngoài ra, 1,6 tỷ USD được hỗ trợ cho xét nghiệm trong các nhà tù, nơi tạm trú cho người vô gia cư, nơi tạm trú dành cho những người có hành vi bạo lực gia đình và các nơi tập trung khác.

Tổng thống Biden cũng kêu gọi chính quyền các bang và địa phương có hình thức khuyến khích người dân như tặng tiền mặt cho người đi tiêm vaccine COVID-19 và tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Chính quyền các địa phương có thể nhận được khoản ngân sách tổng cộng 350 tỷ USD để cung cấp 100 USD cho mỗi công dân đi tiêm mũi vaccine đầu tiên. 

Nhà Trắng cũng đã tăng cường hành động và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch mới nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, như yêu cầu toàn bộ các viên chức liên bang phải khai báo về tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19, đeo khẩu trang khi làm việc ở bất kỳ địa điểm nào, giữ khoảng cách với các đồng nghiệp  và tiến hành xét nghiệm thường xuyên trong trường hợp chưa tiêm chủng.

Tổng thống Biden cũng thông báo ông đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng lên kế hoạch tiêm chủng bắt buộc cho các quân nhân.

Trước đó, thành phố New York đã công bố quy định bắt buộc các nhân viên phải tiêm vaccine. Nhiều trường học cũng yêu cầu các nhân viên và sinh viên phải tiêm vaccine trước khi quay trở lại trường.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ yêu cầu tiêm vaccine cho các nhân viên y tế. Liên đoàn Bóng đá quốc gia Mỹ (NFL) đề ra quy định phạt tiền đối với những cầu thủ chưa tiêm vaccine và làm lây bệnh cho người khác.

Ngoài ra, hơn 50 nhóm chăm sóc sức khỏe, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ, cũng kêu gọi các nhà tuyển dụng bắt buộc các nhân viên phải tiêm phòng.

Cùng với nỗ lực của chính quyền liên bang, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo mới, đảo ngược hướng dẫn của cơ quan này hồi tháng 5, theo đó người dân ở những khu vực đang có số ca nhiễm tăng mạnh nên đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng có không gian kín, ngay cả khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời lưu ý rằng tất cả các học sinh, giáo viên và nhân viên tại các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 phải đeo khẩu trang, bất kể họ đã được tiêm phòng hay chưa.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng quyết định duy trì các hạn chế đi lại hiện nay, dù phải chịu áp lực ngày càng lớn từ ngành vận tải và các quốc gia đồng minh trong việc dỡ bỏ các hạn chế do đại dịch COVID-19 đối với những người muốn đến Mỹ.

Những biện pháp trên được chính quyền Tổng thống Biden ráo riết thực hiện nhằm tránh cho cường quốc hàng đầu thế giới này rơi vào tình trạng thụt lùi trong cuộc chiến chống đại dịch và đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất mà Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky lo sợ sẽ xảy ra - đó là làn sóng dịch thứ tư với số ca mắc mới, ca tử vong và nhập viện tăng vọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục