Ngày 19/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này cùng hai đồng minh là Mỹ và Nhật Bản đã triển khai một hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên trong thời gian thực.
Đây là nỗ lực mới nhất giữa các nước này nhằm tăng cường hợp tác an ninh ba bên ứng phó với chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Thông báo của bộ trên nêu rõ: “Ba nước đã thiết lập hệ thống phát hiện và đánh giá tên lửa do Triều Tiên phóng trong thời gian thực tế, nhằm đảm bảo an toàn cho công dân của các nước và tăng cường các khả năng ứng phó liên quan.”
Theo hãng tin Yonhap, Mỹ - Nhật - Hàn cũng cùng nhau xây dựng một kế hoạch nhiều năm cho các cuộc tập trận quân sự 3 bên nhằm mục tiêu tìm giải pháp ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Phnom Penh (Campuchia) tháng 11/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lần đầu tiên nhất trí chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực.
Tháng 8 vừa qua, tại cuộc gặp ở Trại David (Mỹ), các nhà lãnh đạo đã một lần nữa khẳng định những nỗ lực và nhất trí vận hành hệ thống này vào cuối năm nay.
Phản ứng của Mỹ-Nhật-Hàn về vụ Triều Tiên phóng vệ tinh
Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã điện đàm sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh mà 3 nước cho là vệ tinh quân sự.
Trước đó, Mỹ đã có hệ thống chia sẻ dữ liệu riêng rẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản, do có các hiệp ước liên minh song phương với hai nước này. Tuy nhiên, với việc triển khai hệ thống chia sẻ dữ liệu 3 bên nói trên, đây là lần đầu tiên hai quốc gia láng giềng Đông Bắc Á có mối liên kết dữ liệu trực tiếp.
Mỹ-Nhật-Hàn chính thức triển khai hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực tế một ngày sau khi Triều Tiên xác nhận phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa này đạt tới độ cao tối đa 6.518,2 km và bay 1.002,3 km trong khoảng 73 phút, trước khi hạ cánh chính xác xuống khu vực đã định sẵn ở vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tới thị sát vụ phóng này.
Đây là vụ phóng ICBM thứ 5 của Triều Tiên trong năm nay. Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng thử này không gây tác động tiêu cực đối với an ninh của các nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Nhật Bản, tên lửa mới nhất của Triều Tiên có khả năng vươn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Mỹ./.