Theo trang tin aei.org, Mỹ, Nhật Bản và Pháp đang phải đối mặt với các vấn đề về nợ công lớn.
Báo cáo gần đây nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết vào thời điểm tăng trưởng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp, Mỹ thâm hụt ngân sách ở mức tương đương 7% GDP, trong khi nợ công đang trên đà đạt đến mức cao nhất từ trước đến nay (tương đương 122% GDP) vào năm 2034.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhật Bản đang có thâm hụt ngân sách ở mức 6,5% GDP, khiến nợ công ở mức cao nhất cho đến nay là 250% GDP.
Còn theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P, Pháp đang thâm hụt ngân sách ở mức 5,5% GDP và nợ công sẽ lên đến 112% GDP vào năm 2027. Ngoài ra, biến động chính trị tại Pháp có thể khiến tài chính công của nước này yếu hơn nữa và S&P đã hạ xếp hạng tín dụng của Pháp.
Điểm khác biệt chính giữa Mỹ với hai nước còn lại là Mỹ vay bằng chính đồng tiền của mình. Nhờ đó, khi tình hình tài chính công trở nên xấu đi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể in thêm tiền để chi trả các khoản nợ của chính phủ. Trong trường hợp đó, việc in thêm tiền có thể dẫn tới khủng hoảng của đồng USD, khiến lạm phát tăng cao, và sẽ tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế.
Tình hình tài chính công ảm đạm của Nhật Bản cũng có khả năng dẫn đến khủng hoảng đồng yen. Giá trị đồng yen giảm mạnh trong ba năm qua cho thấy Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đang rơi vào tình thế khó khăn về chính sách tiền tệ vì mức nợ công rất cao của Nhật Bản.
BoJ cho biết giữ lãi suất ở mức quanh 0%, trong khi Fed duy trì lãi suất ở mức 5,25%. BoJ cho biết không thể bình thường hóa chính sách tiền tệ vì lo ngại chi phí đi vay của chính phủ sẽ tăng lên, khiến tỷ lệ nợ công của nước này thậm chí còn cao hơn hiện nay. Chính phủ Nhật Bản lo ngại rằng việc 'thắt lưng buộc bụng" về ngân sách sẽ đẩy Nhật Bản vào một cuộc suy thoái kinh tế khác.
Khác với Mỹ và Nhật Bản, Pháp không có ngân hàng trung ương in tiền để tài trợ cho thâm hụt của chính phủ. Vấn đề nợ công của Pháp còn phức tạp hơn nữa do nước này không thể thực hiện việc hạ giá tiền tệ như một biện pháp bù đắp những tác động lên tổng cầu do chính sách thắt lưng buộc bụng.
Trong cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2010, việc "thắt lưng buộc bụng" đã phản tác dụng do gây ra suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến việc thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Mỹ, Nhật Bản và Pháp nên bắt đầu thực hiện các biện pháp nghiêm túc để quản lý nợ công theo hướng bền vững hơn, để không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong dài hạn./.
Mỹ đối mặt với nhiều nguy cơ khi nợ công đạt mức kỷ lục 34.500 tỷ USD
Thâm hụt ngân sách gia tăng và lãi suất cao có thể gây ra lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp diễn ra ở Mỹ nếu không có các biện pháp đối phó cần thiết.