Mỹ, Nhật Bản, Australia kêu gọi Triều Tiên đàm phán hạt nhân

Các bên đã kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng Hai vừa qua.
Mỹ, Nhật Bản, Australia kêu gọi Triều Tiên đàm phán hạt nhân ảnh 1Bệ phóng tên lửa được vận hành trong cuộc diễn tập quân sự dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở phía Tây nước này ngày 9/5/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 18 - diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Singapore.

Các bên đã kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng Hai vừa qua.

Tham gia cuộc gặp ba bên tại Singapore có quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds.

Trước cuộc gặp ba bên, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản và Australia đã có cuộc hội đàm song phương, trong đó khẳng định tầm quan trọng của hợp tác an ninh song phương và phối hợp trong vấn đề Triều Tiên.

Trong ngày 31/5, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon và Vụ trưởng Vụ châu Á- Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi đã có các cuộc họp kín và ăn tối tại khách sạn Shangri-La ở Singapore.

[Hàn-Mỹ-Nhật thảo luận về Triều Tiên bên lề Đối thoại Shangri-La]

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ông Biegun thăm Singapore từ 31/5-2/6 để tham dự Đối thoại Shangri-La và gặp các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thảo luận các nỗ lực tiếp tục phối hợp hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng.

Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng Hai vừa qua.

Sau khi hội nghị kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào, Bình Nhưỡng được cho là đã có những động thái cứng rắn như phóng tên lửa vào vùng biển phía Đông.

Giới phân tích nhận định đây là chiến thuật nhằm gây sức ép buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục