Mỹ nhận định gì về tham vọng quân sự của Trung Quốc?

Báo cáo của Mỹ cho biết Trung Quốc đang tích cực củng cố và tăng cường chất lượng cho phi đội máy bay ném bom tầm xa, và “nhiều khả năng” đang huấn luyện các phi công thực hiện nhiệm vụ tấn công Mỹ.
Máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6K của Không lực Trung Quốc tham gia cuộc tập trận tại Nam Kinh, Giang Tô. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau thông tin về kế hoạch triển khai 10 vệ tinh giám sát để theo dõi “mọi thực thể và mọi con tàu” tại vùng Biển Đông tranh chấp, Trung Quốc lại khiến dư luận hoang mang khi Lầu Năm Góc mới đây công bố báo cáo thường niên cho biết quốc gia này đang tích cực củng cố và tăng cường chất lượng cho hạm đội máy bay ném bom tầm xa, và “nhiều khả năng” đang huấn luyện các phi công thực hiện nhiệm vụ tấn công Mỹ.

Đây là nội dung được nhắc đến trong ''Báo cáo Thường niên về các Diễn biến Quân sự và An ninh Liên quan tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa," báo cáo trình chính phủ được Lầu Năm Góc thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, với các chi tiết cụ thể về hoạt động quân sự của Trung Quốc trong năm trước đó.

Báo cáo này có đoạn: “Trong vòng ba năm qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động trên biển của các máy bay ném bom, tăng cường kinh nghiệm tại các vùng biển quan trọng và nhiều khả năng là huấn luyện các bài tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh."

Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đang có tham vọng triển khai các máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Nếu hoàn thành mục tiêu này, Trung Quốc sẽ sở hữu các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân hoạt động trên cả đất liền, trên biển và trên không.

Theo báo cáo, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển “máy bay ném bom chiến lược tàng hình tầm xa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và đủ sức triển khai trong vòng 10 năm tới."

Báo cáo của Mỹ không chỉ nhấn mạnh tới những mối đe dọa mà Mỹ hay các đồng minh đang phải đối mặt mà còn nhắc đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới. Văn bản này chỉ rõ rằng Trung Quốc đã thiết lập căn cứ ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti và “sẽ tiếp tục tìm kiếm các căn cứ ở các quốc gia khác mà họ vốn có quan hệ từ lâu cũng như có cùng các mối quan tâm chiến lược, chẳng hạn như Pakistan."

Theo báo cáo, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ghi dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm lôi kéo các quốc gia khác vào tham vọng của Trung Quốc, và cũng là để “ngăn chặn sự đối đầu hay chỉ trích nhằm vào cách hành xử của Trung Quốc trong những vấn đề nhạy cảm."

Ngoài ra, báo cáo còn cho biết Trung Quốc đang phát triển các năng lực trong không gian, chẳng hạn như “tên lửa tấn công động năng, máy chiếu tia laze và các robot hoạt động trong không gian," nghiên cứu “mở rộng năng lực giám sát có thể theo dõi các vật thể trên khắp thế giới và trong không gian."

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề che giấu mong muốn hiện đại hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc, bao gồm cả các biện pháp chống tham nhũng mạnh tay trong mọi tổ chức và đơn vị cũng như hiện đại hóa lực lượng quân đội nước nhà.


[Mỹ: Trung Quốc đưa vũ khí ra Biển Đông nhằm đe dọa các nước láng giềng]

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, PLA đang trải qua “giai đoạn tái cơ cấu phức tạp nhất trong lịch sử để trở thành một lực lượng đủ sức tham gia các hoạt động chiến đấu chung." Đầu năm 2018 Mỹ đã công bố Chiến lược Quốc phòng mới với tuyên bố rằng “cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc” là một trong những thách thức hàng đầu của quân đội Mỹ.

Trở lại thông tin Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi giám sát Biển Đông bằng cách phóng các vệ tinh lên không gian để theo dõi “mọi thực thể và tàu bè” tại vùng biển tranh chấp này, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời truyền thông chính thức Trung Quốc cho biết vào đầu năm 2019 nước này sẽ phóng vệ tinh để theo dõi khu vực, và đồng thời là để củng cố “chủ quyền quốc gia."

Hai vệ tinh quang học, hai vệ tinh siêu phổ và hai vệ tinh radar sẽ cùng nhau thiết lập thành hệ thống vệ tinh Hải Nam, cung cấp các hình ảnh trực tiếp cho đơn vị điều khiển ở tỉnh Hải Nam.

Tờ Business Insider cho rằng 10 vệ tinh giám sát mới sẽ giúp Trung Quốc theo dõi sát các vùng lãnh thổ tranh chấp, cũng như tàu bè nước ngoài ra vào khu vực. Dự án này dự kiến được hoàn thành vào năm 2021, với ba vệ tinh quang học được phóng lên không gian trong nửa cuối năm 2019.

Theo Asia Times, các vệ tinh có thể bao quát toàn bộ vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông và xây dựng kho dữ liệu hình ảnh vệ tinh liên tục được cập nhật mỗi ngày. Bắc Kinh đã nhiều lần cam kết minh bạch hóa trong việc sử dụng các hình ảnh này và sẽ chia sẻ thông tin với các quốc gia khác.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang với cuộc chiến thương mại ngày càng trầm trọng và các tranh cãi về cách hành xử của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Trước khi báo cáo này được công bố, Washington đã vấp phải những chỉ trích của quân đội Trung Quốc về dự luật quốc phòng trị giá 717 tỷ USD của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác gần gũi hơn với Đài Loan nhằm chống tại Bắc Kinh. Trong một tuyên bố hôm 14/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng Mỹ “luôn giữ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh."

Ông nhấn mạnh: “Người ta không thể thành công nếu không trung thực, điều này cũng đúng với một quốc gia. Chúng tôi kêu gọi Mỹ tuân thủ các cam kết với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, và tôn trọng chính sách 'Một Trung Quốc'."

Business Insider cho rằng các nỗ lực mà Trung Quốc tuyên bố thực thi nhằm hạn chế lo ngại của các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông khó có khả năng đem đến những kết quả cụ thể nhất là bởi quốc gia này vẫn không ngừng tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự trong khu vực với hàng loạt hệ thống phòng thủ tân tiến, các công nghệ gây nhiễu radar, triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và các tên lửa đất đối không tại các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục