Ngày 22/1, chính quyền bang California, Mỹ thông báo bang này đang phải đối phó với việc bùng phát các ca bệnh sởi xảy ra tại khu vực Công viên Disneyland nổi tiếng, mặc dù loại virus này gần như đã bị xóa sổ tại Mỹ.
Theo báo cáo của Sở Y tế công cộng California, 59 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Trong số các ca bệnh đã được khẳng định, 42 trường hợp nhiễm bệnh khi tới Disneyland hay Công viên Trò chơi mạo hiểm Disney California.
Năm ca bệnh sởi khác có liên quan tới nhân viên tại khu công viên này. Cơ quan trên cho biết trong số 34 trường hợp mắc sởi được theo dõi, 28 người đã không tiêm phòng vắcxin. Sở Y tế công cộng California cũng khuyến cáo người dân nên đi tiêm chủng do biện pháp bảo vệ tốt nhất vẫn là tiêm vắcxin phòng sởi, quai bị và rubella.
Bệnh sở đã chính thức bị loại trừ tại Mỹ kể từ năm 2000 trong khi vẫn là căn bệnh khá phổ biến ở một số nước châu Âu, châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, trong năm ngoái, các cơ quan y tế Mỹ vẫn ghi nhận 644 trường hợp nhiễm sởi, tăng mạnh so với con số 173 trường hợp của năm trước đó.
Theo một bản phân tích của báo "Los Angeles Times" hồi năm ngoái, 9,5% số trẻ tại một trường mẫu giáo ở hạt Orange không được tiêm chủng. Tỷ lệ này tại một trường mẫu giáo ở Santa Monica và Malibu là 14,8% trong khi tỷ lệ trên cả bang là 3,1%.
Trong những năm gần đây, tại một số khu vực ở Bắc Mỹ đã xuất hiện dư luận phản đối việc tiêm vắcxin tổng hợp phòng sởi, quai bị và rubella do lo ngạivắcxin này có thể gây ra chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ. Tuy vậy, các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa tiêm vắcxin với chứng bệnh này.
Bệnh sởi là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao, virus có thể lan truyền trong không khí mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường có biểu hiện ban đầu như sốt, sau đó dẫn đến ho, chảy nước mũi, viêm màng kết và phát ban./.