Mỹ-Nga-Trung chạy đua phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới

Tướng Joey Lestorti thuộc NORTHCOM nhấn mạnh thử nghiệm LRDR gần hoàn thành trong bối cảnh chi tiêu cho phòng thủ tên lửa của Mỹ không đủ để chống lại các mối đe dọa đang nổi lên từ Trung Quốc và Nga.
Radar cảnh báo sớm tầm xa - LRDR. (Nguồn: asiatimes.com)

Theo trang mạng asiatimes.com, trang mạng quốc phòng Breaking News đưa tin Mỹ đang hoàn tất các cuộc thử nghiệm Radar cảnh báo sớm tầm xa (LRDR) mới của nước này như một phần trong quá trình nâng cấp đáng kể hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Tướng Joey Lestorti thuộc Bộ Tư lệnh miền Bắc nước Mỹ (NORTHCOM) cho biết: “Nói ngắn gọn, chúng tôi chỉ còn vài tháng nữa là có thể lắp đặt LRDR trong cấu trúc tác chiến phòng thủ tên lửa. Từ cuộc thử nghiệm cho đến nay, chúng tôi đang thấy kết quả tích cực về những gì mà radar này làm được, phân biệt các mối đe dọa đối với lục địa nước Mỹ để giúp các cuộc giao tranh đánh chặn trên mặt đất hiệu quả hơn.”

Tướng Lestorti lưu ý rằng nhận thức về miền không gian là ưu tiên hàng đầu của Tổng tư lệnh NORTHCOM Glen VanHerck, đồng thời cho biết LRDR sẽ cơ bản đóng góp vào mục tiêu đó.

Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả LRDR là một hệ thống hai trong một, kết hợp các radar tần số thấp và cao. Radar tần số thấp có thể theo dõi nhiều vật thể trong không gian nhưng không phân biệt được vật thể nào là mối đe dọa, còn radar tần số cao có tầm nhìn hạn chế nhưng có thể phân biệt và xác định các mối đe dọa cụ thể.

Đây là năng lực rất quan trọng trong việc đánh bại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và siêu thanh tiên tiến hiện nay, có thể được phóng bằng các phương tiện hỗ trợ thâm nhập nhằm đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ.

Ngoài việc cải thiện thế trận phòng thủ tên lửa của Mỹ, Tướng Lestorti lưu ý rằng LRDR cũng có thể phân biệt giữa rác không gian và vệ tinh, hỗ trợ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ trong sứ mệnh nhận biết miền không gian của mình. Tướng Lestorti cũng cho rằng bất chấp khả năng của LRDR, việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tuyến đường không xác định vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Ông đặt câu hỏi: “Nếu một bộ cảm biến như LRDR thu được một đường đi không phải là tên lửa đạn đạo hoặc vệ tinh, dữ liệu đó sẽ đi đâu? Liệu radar sẽ bỏ qua, hay dữ liệu đó sẽ được chuyển tới cấu trúc và tăng cường nhận thức trong miền không gian?."

[Nga thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không S-500 mới]

Ngoài ra, Tướng Lestorti nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nhận thức về miền không gian trong theo dõi siêu thanh, tổng hợp dữ liệu và chia sẻ thông tin cho các lực lượng chung và các đối tác được chọn. Thử nghiệm LRDR gần hoàn thành trong bối cảnh chi tiêu cho phòng thủ tên lửa của Mỹ không đủ để chống lại các mối đe dọa đang nổi lên từ Trung Quốc và Nga.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Không gian John Plumb tuyên bố rằng mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc và việc Nga sử dụng kho tên lửa ở Ukraine cho thấy Mỹ cần mở rộng chiến lược phòng thủ tên lửa của mình, bao gồm cả tên lửa hành trình và siêu thanh.

Plumb lưu ý đề xuất tăng đáng kể ngân sách phòng thủ tên lửa của Mỹ năm 2023, bao gồm 2,8 tỷ USD cho Hệ thống đánh chặn thế hệ mới và kéo dài tuổi thọ của Hệ thống Phòng thủ giữa hành trình trên mặt đất (GMD). Ông cũng lưu ý khoản phân bổ 4,7 tỷ USD để chuyển đổi sang “kiến trúc vệ tinh cảnh báo tên lửa và theo dõi tên lửa có khả năng phục hồi.”

Ngân sách năm 2023 cũng phân bổ 4,7 tỷ USD cho Lực lượng Không gian Mỹ, 278 triệu USD cho các radar mới có khả năng phát hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào Mỹ và 1 tỷ USD cho khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Guam.

Tuy nhiên, bất chấp cảm biến giàu năng lực của LRDR, Mỹ vẫn chưa thể chống lại các mối đe dọa tên lửa nếu không có hệ thống đánh chặn hiệu quả. GMD là hệ thống duy nhất để Mỹ tự vệ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm xa. Hệ thống này có một số lượng khá hạn chế các tên lửa đánh chặn. Năm 2021, Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí cho biết GMD hiện có 44 tên lửa và Mỹ có kế hoạch tăng số tên lửa lên 64.

Ngoài kho dự trữ đánh chặn hạn chế, GMD có tỷ lệ thành công thấp, cùng nhiều vấn đề kỹ thuật với Phương tiện tiêu diệt khí quyển (EKV). Trang Missile Threat lưu ý rằng kể từ năm 1999, đã có 30 cuộc thử nghiệm GMD, trong đó có 17 thử nghiệm liên quan đến tên lửa mục tiêu. Tuy nhiên, chỉ có 9 vụ đánh chặn thành công với tỷ lệ 53%. Nguồn tin lưu ý rằng việc sản xuất EKV thiếu nhất quán và sự bất thường trong thiết bị thử nghiệm là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ này.

Các vấn đề cố hữu với EKV đã dẫn đến nỗ lực thay thế bằng chương trình Phương tiện tiêu diệt được thiết kế lại (RKV). Tuy nhiên, năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) đã chấm dứt chương trình này vào tháng Tám này do các vấn đề thiết kế kỹ thuật. Tình huống này khiến Mỹ rơi vào thế khó xử khi nước này có radar phòng thủ tên lửa nhưng lại không có lực lượng đánh chặn hiệu quả.

Các đối thủ cạnh tranh tiệm cận là Trung Quốc và Nga cũng đã nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó với kho vũ khí hạt nhân đang được hiện đại hóa nhanh chóng của Mỹ.

Hình ảnh chụp tháng 2/2022 cho thấy một radar mảng pha mới mới được bổ sung vào hệ thống cảnh báo sớm hiện có ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: Maxar Technologies)

Tháng Tư năm nay, trang Defense News đưa tin Trung Quốc đã chế tạo Radar mảng pha lớn (LPAR) trên một đỉnh núi ở huyện Nghi Nguyên, tỉnh Sơn Đông, để phát hiện tên lửa đạn đạo đang bay tới từ khoảng cách hàng nghìn kilomet, rất có thể sẽ bao phủ toàn bộ Nhật Bản.

Mặc dù nguồn tin lưu ý rằng chưa rõ cụ thể năng lực hệ thống LPAR của Trung Quốc, nhưng có khả năng ngang với radar AN/FPS-115 do mạng lưới cảnh báo sớm Pave Paws của Mỹ sử dụng. Defense News lưu ý rằng mặc dù tầm hoạt động chính thức của Pave Paws chưa từng được công bố, nhưng ước tính có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 5.600km.

Ngoài việc nâng cấp hệ thống radar cảnh báo sớm phòng thủ tên lửa, Trung Quốc còn nâng cấp tên lửa đánh chặn. Tháng Sáu vừa qua, Asia Times đưa tin về việc Trung Quốc thử nghiệm thành công một vụ đánh chặn giữa hành trình từ đất liền, chứng tỏ độ tin cậy của lá chắn tên lửa của Trung Quốc trước các tên lửa của Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc không xác định hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, nhưng rất có thể đây là Hệ thống đánh chặn tầm trung, được tuyên bố là có hiệu quả chống lại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tương đương hệ thống GMD của Mỹ. Hệ thống này dự kiến sẽ đạt được khả năng hoạt động ban đầu trước cuối thập niên 2020.

Theo các báo cáo, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đánh chặn giữa hành trình thành công vào các năm 2010, 2013, 2018 và 2021. Tuy nhiên, do không rõ số lần thử nghiệm thất bại của Trung Quốc nên không thể xác định tỷ lệ thành công của Máy bay đánh chặn giữa hành trình của nước này.

Trái ngược với các bãi phóng tên lửa đánh chặn cố định của Mỹ và có thể cả Trung Quốc, Nga lại tập trung phát triển tên lửa đánh chặn di động. Hồi tháng 2/2022, Asia Times đưa tin về việc Nga trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-550, hệ thống mà nước này tuyên bố có thể tấn công vệ tinh, tên lửa đạn đạo và các mục tiêu siêu thanh ở cự ly hàng chục nghìn kilomet.

Asia Times chỉ ra rằng tuyên bố của Nga trong việc phát triển một hệ thống đáng gờm như S-550 có thể gây nghi ngờ, cho rằng việc phát triển một hệ thống phòng thủ trước các mối đe dọa từ không gian và siêu thanh là quá tham vọng do những hạn chế hiện nay trong công nghệ phòng thủ tên lửa.

Tuy nhiên, nếu tuyên bố của Nga là đúng, S-550 sẽ giúp Nga tăng tính linh hoạt và sức chống đỡ của hệ thống phòng thủ tên lửa so với các hệ thống cố định. Hệ thống di động này có thể khai thác lãnh thổ rộng lớn của Nga để che giấu các vị trí phòng thủ tên lửa tiềm năng, ngăn nguy cơ các tên lửa đánh chặn bị phát hiện và phá hủy.

Các hệ thống như GMD có vị trí phóng cố định, khiến chúng dễ bị tấn công, trong khi các hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian lại khó sửa chữa hoặc thay thế khi bị hư hỏng hoặc bị phá hủy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục