Ngày 29/5, Đặc phái viên của Mỹ về Syria, ông Jim Jeffrey, cho biết Mỹ và Nga đã tiến hành đàm phán về khả năng đưa Syria thoát khỏi tình trạng bị quốc tế cô lập hiện nay nếu như Damacus đồng ý với một số điều kiện, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Jeffrey cho hay Washington và Moscow đang tìm kiếm "cách thức tiếp cận từng bước" để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm qua tại Syria. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có "các quyết định khó khăn."
Cũng theo ông Jeffrey, trước đó hôm 14/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp gần 2 tiếng đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi để thảo luận về kế hoạch "cho phép Chính phủ Syria được trở lại cộng đồng quốc tế sau khi tuân thủ Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc.”
[LHQ kêu gọi quốc tế chung tay giải quyết khủng hoảng nhân đạo Syria]
Nghị quyết này kêu gọi Syria tiến hành đàm phán hòa bình, xây dựng dự thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.
Ngoài các cuộc gặp trên, bản thân ông Jeffrey cũng có các cuộc gặp riêng rẽ với đại diện của Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc trong Hội đồng bảo an nhằm tìm kiếm lợi ích thật sự cho gỉải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Syria.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Syria, ông Geir Pedersen, cũng tái khẳng định nguyên tắc của tổ chức này trong việc ủng hộ giải pháp chính trị giúp chấm dứt xung đột tại Syria.
Phát biểu với báo giới sau một cuộc thảo luận kín, ông Pedersen nhấn mạnh quốc tế “cần hàn gắn sự chia cắt và khởi động lòng tin” để có thể tiến về phía trước, vì nếu không, sẽ chẳng có viễn cảnh hòa bình nào cho một đất nước Syria đang bị chia rẽ sâu sắc và khủng hoảng lòng tin.
Vì thế, Liên hợp quốc cần tiếp tục hợp tác tìm kiếm giải pháp chính trị với hy vọng sẽ đem lại hòa bình và ổn định cho người dân Syria vốn đã phải chịu quá nhiều đau khổ.
Kể từ khi bùng phát hồi tháng 3/2011 đến nay, cuộc khủng hoảng tại Syria đã làm hơn 370.000 người thiệt mạng và một nửa dân số bị mất nhà cửa./.