Mới đây, trang tin International Policy Digest đã đăng bài phân tích về việc chính quyền mới của Mỹ có thể nâng cao vị thế trong khu vực thông qua việc hỗ trợ giải quyết các thách thức hạ nguồn sông Mekong.
Theo bài viết, trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi chính sách “Mỹ là số một," rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính sách châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa rõ ràng, gây quan ngại cho nhiều nước. Để nâng cao vị thế và uy tín trong khu vực, một trong những phương cách mà Mỹ nên xem xét là tiếp tục quan tâm đến vấn đề hạ nguồn sông Mekong.
Sông Mekong, con sông của sự sống, bắt nguồn từ Tây Tạng, đổ ra biển, tạo thành vùng đồng bằng hạ nguồn - vựa lúa lớn của khu vực. Tuy nhiên, những thay đổi đáng kinh ngạc về dòng nước và mực nước tại đây đang đe dọa tới nghề cá và nghề trồng lúa nước của khoảng 20 triệu người Việt Nam.
Năm 2016, đồng bằng sông Mekong đã trải qua một cuộc hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua, nguyên nhân được cho là do vấn đề biến đổi khí hậu cùng với ảnh hưởng của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính của con sông. Các nhà khoa học và môi trường cảnh báo rằng rất có thể sẽ xuất hiện một thảm họa hạn hán còn kinh khủng hơn trong tương lai, nguyên nhân vẫn là do vấn đề biến đổi khí hậu và các công trình xây dựng đập trên dòng sông. Khi đó, hạn hán sẽ đe dọa tới hơn 1.500km2 diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Mekong, khiến khoảng 600.000 người dân địa phương lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại có thể lên tới 220 triệu USD.
Hiện người dân địa phương khu vực đồng bằng sông Mekong dường như vẫn chưa có phương pháp đối phó hữu hiệu với vấn đề hạn hán vào mùa khô. Do đó, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương về vấn đề này đồng thời phát huy sức mạnh, trách nhiệm của cả cộng đồng trong đối phó với các tác động, ảnh hưởng nói trên là cần thiết.
Tại vùng đồng bằng sông Mekong, các công trình thủy điện trên dòng chính con sông là tác nhân làm mực nước sông giảm tới mức thấp kỷ lục trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các công trình thủy điện vẫn không ngừng mọc lên, tiếp tục đe dọa tới cuộc sống tới người dân địa phương và gây ra những thay đổi môi trường nguy hiểm.
Trung Quốc đang cố gắng tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng thiếu hụt tại các trung tâm đô thị ở khu vực kinh tế phía Tây Nam thông qua việc xây dựng các dự án thủy điện. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề bảo vệ và bảo tồn môi trường và nguồn thủy sản của sông Mekong, đồng thời đe dọa tới vấn đề an ninh lương thực tại đây.
Với 6 đập thủy điện đã được xây dựng trên khu vực thượng nguồn cùng nhiều đập khác đang và sẽ được xây dựng tiếp, tương lai của đồng bằng sông Mekong - một trong những vựa lúa lớn của khu vực Đông Nam Á - dường như sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Theo một cuộc thảo luận liên chính phủ về vấn đề biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức, trong tình trạng nước biển dâng, khu vực hạ lưu sông Mekong được xác định là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong các vùng duyên hải trên thế giới. Năm 2016, tình trạng hạn hán ở đây đã đạt mưc kỷ lục, một phần nguyên nhân là do các đập thủy điện xây dựng trên dòng chính đã làm giảm mực nước, làm gia tăng tình trạng ngập mặn tại khu vực hạ nguồn. Điều này cũng đe dọa tới nguồn nước sạch và an ninh lương thực của hàng triệu người nơi đây.
Rõ ràng, các con đập trên dòng chính sông Mekong cùng các yếu tố khác như vấn đề thay đổi thời tiết, xâm nhập mặn, sự xuống cấp của đa dạng sinh học, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường đã trực tiếp đe dọa tới sự cân bằng của môi trường sinh thái tại đồng bằng sông Mekong. Trên thực tế, các con đập này không đơn giản chỉ ngăn dòng nước chảy về đồng bằng sông Mekong mà còn ngăn lại cả lượng phù sa vốn là tác nhân làm cho đất đai vùng hạ nguồn được mầu mỡ, đồng thời cung cấp lượng thức ăn cho các loài sinh vật tại đây.
Không chỉ có Việt Nam, các nước khác trong khu vực cũng bị ảnh hưởng từ các con đập này. Tại Campuchia, các quan chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ (NGO) về môi trường cũng đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Họ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng các con đập sẽ hủy hoại nguồn thủy sản và xa hơn điều này có thể đe dọa tới vấn đề an ninh lương thực của Campuchia.
Đây là thời điểm phù hợp để Ngoại trưởng Rex Tillerson thực thi các chính sách hỗ trợ các quốc gia hạ nguồn sông Mekong như Campuchia, Việt Nam. Mỹ có thể thực thi sáng kiến hạ nguồn sông Mekong thông qua việc hỗ trợ các nhà khoa học tại Đại học Cần Thơ trong nghiên cứu về hạ nguồn sông Mekong, mở rộng cơ chế hợp tác Mississippi-Mekong, ủng hộ các đội hòa bình Mỹ hỗ trợ Ủy ban sông Mekong, cấp ngân sách cho Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) để thực hiện các sáng kiến nhằm cải thiện nguồn nước hạ nguồn sông Mekong...
Việc Mỹ hỗ trợ mở rộng các dự án của USAID có thể tranh thủ được sự ủng hộ của các nước lưu vực sông Mekong trong đối phó với các vấn đề về môi trường sinh thái do việc xây đập trên dòng chính gây ra./.