Mỹ muốn thúc đẩy các vòng hòa đàm Yemen "càng sớm càng tốt"

Mỹ muốn thúc đẩy "càng sớm càng tốt" các vòng đàm phán hòa bình Yemen do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Yemen.
Mỹ muốn thúc đẩy các vòng hòa đàm Yemen "càng sớm càng tốt" ảnh 1Trẻ em Yemen sơ tán tại một lán trại ở vùng ngoại ô thủ đô Sanaa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/4, phát biểu trước báo giới ngay khi đặt chân tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, mở đầu chuyến thăm các nước Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố Washington muốn thúc đẩy "càng sớm càng tốt" các vòng đàm phán hòa bình Yemen do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Yemen.

Mỹ đã cung cấp hỗ trợ quân sự hạn chế cho liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu giúp chính quyền Yemen chống lại phiến quân Houthi trong hơn hai năm qua.

Washington đã và đang cung cấp thông tin tình báo cũng như nhiên liệu cho các các máy bay chiến đấu của liên quân tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen.

Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chiến dịch ném bom của liên quân, cho rằng sự can thiệp quân của liên quân đã cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường vô tội tại Yemen.

Khi được hỏi về khả năng tăng cường hỗ trợ quân sự của Mỹ cho liên quân Arab tại chiến trường Yemen, Bộ trưởng Mattis không trả lời câu hỏi này mà chỉ nhấn mạnh đến nỗ lực thúc đẩy trở lại các vòng đàm phán hòa bình.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi là cuộc khủng hoảng Yemen cần phải được trao cho một nhóm các nhà thương thuyết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp chính cho vấn đề Yemen càng sớm càng tốt."

Ông Mattis cho rằng cần phải ngăn chặn các hành vi nã tên lửa của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn sang lãnh thổ Saudi Arabia, cũng như bảo vệ tính mạng của người dân vô tội ở Yemen.


[Mỹ cân nhắc vai trò lớn hơn trong cuộc chiến tại Yemen]

Ông Mattis dự kiến sẽ có cuộc gặp với Quốc vương Salman và các quan chức Saudi Arabia trong ngày 19/4 để thảo luận một loạt vấn đề song phương và khu vực, đặc biệt là cuộc xung sột Yemen.

Yemen rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh nghiêm trọng kể từ khi phong trào vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa.

Tháng 3/2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự, nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Mansour Hadi.

Bảy thỏa thuận ngừng bắn cùng với các nỗ lực hòa bình của Liên hợp quốc tới nay đã thất bại và không thể giúp chấm dứt xung đột vào bạo lực tại Yemen, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài hơn hai năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục