Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đề xuất cắt giảm mạnh ngân sách dành cho hoạt động ngoại giao và viện trợ nước ngoài, trong đó có kế hoạch chấm dứt hoàn toàn đóng góp tài chính cho lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Động thái này có nguy cơ đẩy các tổ chức nhân đạo và an ninh mạng toàn cầu vào tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng.
Theo tài liệu nội bộ của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) thuộc Nhà Trắng mà truyền thông phương Tây tiếp cận được, văn phòng này đã đề xuất chấm dứt hoàn toàn khoản đóng góp bắt buộc cho hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên hợp quốc, với lý do các sứ mệnh tại Mali, Liban và Cộng hòa Dân chủ Congo đã không đạt được kết quả mong muốn trong việc duy trì hoà bình và ổn định.
Mỹ hiện vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách Liên hợp quốc, với 22% ngân sách dành cho các hoạt động chung của Liên hợp quốc (3,7 tỷ USD) và 27% ngân sách dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình (5,6 tỷ USD).
Đề xuất cắt giảm nói trên được đề cập trong một tài liệu của OMB, trong đó cũng đề xuất cắt giảm khoảng 26 tỷ USD đối với yêu cầu ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm tài chính 2026 (bắt đầu từ ngày 1/10/2025), xuống còn 28,4 tỷ USD so với 54,4 tỷ USD cho năm tài chính hiện tại.
Cùng với đề xuất cắt giảm đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất thành lập một quỹ mang tên " America First Opportunities Fund”( tạm dịch là "Quỹ Cơ hội nước Mỹ trước tiên”- A1OF) trị giá 2,1 tỷ USD nhằm tài trợ chọn lọc cho một số chương trình phát triển và kinh tế đối ngoại.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa phản hồi về những đề xuất nói trên. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất cắt giảm khoảng 1/3 ngân sách dành cho các hoạt động ngoại giao và viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, Quốc hội, cơ quan dự thảo ngân sách của chính phủ liên bang, khi đó đã phản đối đề xuất của ông Trump.
Đánh giá về tác động do chính sách cắt giảm viện trợ của Mỹ có thể gây ra, ngày 15/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết dự kiến ngân sách năm 2026 của tổ chức này sẽ giảm ít nhất 20% so với năm 2024, do mất nguồn viện trợ từ Mỹ.
Theo người phát ngôn của UNICEF, trong năm 2024, UNICEF có ngân sách là 8,9 tỷ USD và năm nay ước tính ngân sách giảm xuống còn 8,5 tỷ USD.
Lâu nay, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan này, đóng góp hơn 800 triệu USD trong năm 2024. Kể từ khi được thành lập vào năm 1946, tất cả các giám đốc điều hành của UNICEF đều là người Mỹ.
UNICEF cho biết đang phải cân nhắc các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm cả nhân sự, nhằm duy trì các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em toàn cầu.
Tuần trước, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết sẽ cắt giảm 20% nhân viên vì ngân sách thiếu hụt 58 triệu USD sau khi Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan này - cắt giảm tài trợ.
Cùng ngày, Tập đoàn phi lợi nhuận MITRE chuyên về nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh mạng và công nghệ cho biết nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 16/4.
Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn này sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cơ sở dữ liệu quan trọng về các lỗ hổng mạng mà các nhà nghiên cứu bảo mật và bảo vệ kỹ thuật số trên toàn thế giới đang sử dụng.
MITRE là đơn vị điều hành cơ sở dữ liệu mang tên Các lỗ hổng và sự phơi nhiễm phổ biến (Common Vulnerabilities and Exposures - CVE), công cụ then chốt giúp giới an ninh mạng toàn cầu theo dõi và xử lý các điểm yếu phần mềm.
Vì vậy, việc gián đoạn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm tê liệt khả năng phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu.
Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã xác nhận hợp đồng tài trợ cho MITRE để duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu CVE sẽ kết thúc.
CISA cũng cho biết đang khẩn trương nỗ lực giảm thiểu tác động và duy trì hoạt động của các dịch vụ CVE mà các bên liên quan trên toàn cầu đang sử dụng./.

Nga phản đối triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" NATO tại Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng các cuộc thảo luận về nỗ lực gìn giữ hòa bình tại Ukraine vẫn còn quá sớm và chỉ nên diễn ra sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình chính thức.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu