Mỹ mời người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khuyến khích tiêm vaccine

Sở hữu một trang Facebook tiếng Tây Ban Nha với 650.000 người theo dõi, Carlos Cornejo sẽ đăng các thông tin về tiêm phòng trên các trang cá nhân để khuyến khích người dân đi tiêm.
Mỹ mời người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khuyến khích tiêm vaccine ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New York City, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Carlos Cornejo, hạ sỹ quan cảnh sát ở thị trấn Denver, không phải là một người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, việc sở hữu một trang Facebook tiếng Tây Ban Nha với 650.000 người theo dõi đã đưa anh đến với chương trình khuyến khích tiêm phòng COVID-19 mà chính quyền bang Colorado đang triển khai để thuyết phục những người còn do dự đi tiêm phòng.

Bang Colorado mời những người có đông đảo người theo dõi trên các trang mạng xã hội tham gia chương trình để lan tỏa tinh thần tự nguyện tiêm phòng đến những người theo dõi trang cá nhân của họ.

Cornejo, 32, là một trong số hàng chục người tham gia chương trình, từ các bà mẹ có con nhỏ đến những người chuyên viết về thời trang, những luật sư và các trưởng nhóm tôn giáo, được trả tiền để tham gia chương trình.

Những người này sẽ đăng các thông tin về tiêm phòng trên các trang cá nhân để khuyến khích người dân đi tiêm, một trong các biện pháp giúp tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở địa phương và tránh kịch bản số người mắc bệnh COVID-19 tăng cao trong mùa Hè tới.

Nhóm đối tượng mà chương trình hướng đến là những người gốc Mỹ Latinh, người da màu, người bản địa, người thuộc các cộng đồng châu Á… mà giới chức y tế đang nỗ lực để thuyết phục đi tiêm phòng.

Trước đó, bang Colorado từng áp dụng chương trình quay số trúng thưởng, tặng học bổng đại học và nhiều biện pháp khác để khuyến khích người dân đi tiêm phòng khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng lan rộng.

[Mỹ kêu gọi phụ nữ mang thai tiêm vaccine ngừa COVID-19]

Hiệu quả của chiến dịch lần này sẽ chưa thể được đánh giá ngay nhưng thông qua những trang mạng xã hội được tín nhiệm, người dân sẽ được cung cấp những thông tin chính thống từ cơ quan ý tế để giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

Bang Colorado hiện trả tối đa 1.000 USD/tháng cho một tài khoản mạng xã hội được mời tham gia chương trình này, trên các nền tảng như Instagram, TikTok, Snapchat, Facebook và một số nền tảng khác.

Những người này có thể đăng bài viết chia sẻ về trải nghiệm bản thân khi đi tiêm phòng, cung cấp thông tin từ chính quyền để bác bỏ những tin sai lệch, đồn thổi…, góp phần định hướng để người theo dõi các trang này đưa ra những quyết định dựa trên những cơ sở thông tin rõ ràng. Số tiền chi trả và việc hợp tác có hiệu quả hay không sẽ được đánh giá dựa trên số lượng tương tác của cư dân với các bài đăng của những người tham gia.

Ở Mỹ đang nở rộ phong trào cấp bang và cấp thành phố, dựa vào những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tác động tới những người còn đang do dự nhất trong cộng đồng xung quanh họ.

Giới chức y tế ở Chicago, Oklahoma, San Jose, Califorrnia, New Jersey và nhiều nơi khác cũng đã triển khai các chiến dịch tương tự.

Giới chức y tế ước tính những người ảnh hưởng ở quy mô hẹp, chưa đến 10.000-100.000 người theo dõi, sẽ là nhóm có thể tác động tới những đối tượng thuộc thế hệ trẻ vốn có thói quen cập nhật tin tức trên mạng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục