Ngày 15/3, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga, trong đó có các cơ quan tình báo của Moskva, vì cái gọi là "can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng."
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào một số quan chức chính phủ cùng các nhân vật nổi bật của Nga "vì hành động gây mất ổn định của họ."
Ông Mnuchin không đưa ra khung thời gian cho những biện pháp trừng phạt, vốn được ông cho là sẽ cắt đứt sự tiếp cận của các cá nhân này với hệ thống tài chính Mỹ.
Trong số các tổ chức và cá nhân của Nga bị Mỹ áp đặt trừng phạt có Cơ quan an ninh liên bang (FSB), các tổ chức tình báo, Lực lượng đặc nhiệm (GRU) và 6 cá nhân làm việc cho GRU.
Cá nhân nổi bật nhất bị liệt vào danh sách trừng phạt của Washington là ông Viktorovich Prigozhin, người nổi tiếng với biệt danh là “bếp trưởng của Tổng thống Vladimir Putin,” và có quan hệ mật thiết với ông Putin.
Bất chấp việc Nga luôn bác bỏ có liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 các cơ quan tình báo của Mỹ đều đưa ra kết luận Moskva can thiệp cuộc bầu cử nhằm mang lại lợi thế cho Tổng thống Donald Trump.
[Mỹ sẽ ban hành biện pháp trừng phạt Nga "trong những tuần tới"]
Công tố viên đặc biệt Robert Muller phụ trách cuộc điều tra hôm 16/2 vừa qua đã công bố các cáo buộc nhằm vào 13 cá nhân và 3 công ty của Nga tham gia vào các âm mưu gián điệp nhằm làm nhiễu loạn chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 thông qua các tài khoản nặc danh trên mạng.
Những cá nhân và tổ chức chịu tác động của lệnh trừng phạt mới bao gồm những người trong danh sách cáo buộc của ông Muller.
Hãng tin Interfax của Nga dẫn nguồn tin từ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga đã chuẩn bị các biện pháp nhằm đáp tră lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Trong khi đó, hãng tin AFP cũng dẫn nguồn cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết "trong vài tuần tới," Tổng thống Donald Trump sẽ sớm cân nhắc các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật sở hữu trí tuệ của Washington.
Ông này cho biết Tổng thống Trump đã nhận được nhiều đề xuất và sẽ xem xét trong vài tuần tới. Đây là một trong nhiều bước đi mà ông chủ Nhà Trắng sẽ sẵn sàng thực hiện nhằm chống lại những biện pháp thương mại mà ông cho là bất công.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang hối thúc Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD trong thặng dư thương mại của nước này với Mỹ.
Yêu cầu cắt giảm tình trạng mất cân bằng trong thương mại song phương kể trên được Washington đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump đang chuẩn bị áp thuế lên số hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Trung Quốc, và sẽ nhằm vào các lĩnh vực công nghệ và viễn thông, gắn với cuộc điều tra về quyền sở hữu trí tuệ căn cứ vào Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974. Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 8 năm ngoái.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ, thâm hụt thương mại năm 2017 của Mỹ với Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục 375 tỷ USD, chiếm đến 2/3 tổng thâm hụt thương mại lên tới 566 tỷ USD của Mỹ trên toàn cầu.
Trong khi đó, theo số liệu từ phía Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ năm 2017 chỉ ở mức 276 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng thặng dư thương mại trên toàn cầu (422,5 tỷ USD) của Trung Quốc./.