Mỹ mất 700.000 việc làm do cắt giảm ngân sách

Việc cắt giảm ngân sách do Hạ viện Mỹ thông qua nếu được thực hiện có thể sẽ khiến 700.000 việc làm bị mất trong vòng hai năm tới.
Chuyên gia dự báo kinh tế hàng đầu của Mỹ nhận định việc cắt giảm ngân sách do Hạ viện Mỹ thông qua nếu được thực hiện có thể sẽ khiến 700.000 việc làm bị mất trong vòng hai năm tới.

Trong một báo cáo công bố ngày 1/3, nhà phân tích kinh tế Mark Zandi của hãng Moody's Analytics đánh giá đề xuất của các nghị sỹ Cộng hòa, hiện chiếm đa số tại Hạ viện, về việc cắt giảm ngân sách chính phủ khoảng 60 tỷ USD so với mức năm 2010, sẽ làm giảm 0,5% tăng trưởng GDP thực trong năm 2011 và 0,2% tăng trưởng GDP trong năm 2012.

Điều này có nghĩa là khoảng 400.000 việc làm sẽ bị mất vào cuối năm 2011 và đến cuối năm 2012 con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi.

Theo ông Zandi, mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không tạo đủ việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức hơn 9%. Ông Zandi cho rằng việc áp dụng các biện pháp bổ sung cắt giảm chi tiêu của chính phủ như các nghị sỹ Cộng hòa mong muốn sẽ tác động không tích cực đến sự phục hồi kinh tế.

Hiện nay, Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng việc làm, với việc có khoảng 8 triệu việc làm đã bị mất kể từ khi bắt đầu suy thoái kinh tế vào cuối năm 2007.

Trong báo cáo, nhà phân tích Zandi cho rằng Chính phủ Mỹ cần cắt giảm chi tiêu, nhưng việc này nên thực hiện sau khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm sâu hơn nữa, nếu không sẽ phản tác dụng.

Những kết luận trong báo cáo của ông Zandi cũng tương tự như một báo cáo của Goldman Sachs bị rò rỉ tuần trước, trong đó cho rằng các đề xuất cắt giảm chi tiêu sẽ làm giảm 1,5-2% tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý II và quý III năm nay.

Ông Zandi là thành viên đội ngũ tư vấn kinh tế trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2008 của Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain và từng tư vấn cho các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Cùng ngày 1/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm gia hạn việc cấp tài chính cho chính phủ liên bang thêm hai tuần nữa. Động thái này tuy góp phần tránh xảy ra trường hợp "đóng băng" chi tiêu của chính phủ liên bang, song không thể giải quyết được cuộc tranh cãi gay gắt về ngân sách liên bang.

Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này vì còn rất ít thời gian trước khi dự luật cấp tài chính ngắn hạn hiện nay hết hiệu lực vào ngày 4/3 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục