Mỹ ngày 23/2 đã đưa 14 tàu chở dầu của Nga vào danh sách đen, trong nỗ lực nhằm cắt giảm nguồn thu dầu khí của nước này bằng cách áp dụng mức giá trần mà phương Tây đã đưa ra đối với dầu thô của Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn vận tải biển hàng đầu của Nga Sovcomflot, cho công ty này 45 ngày để tháo dầu và dỡ các hàng hóa khác khỏi 14 tàu chở dầu của mình trước khi lệnh trên được thực thi.
Trước đó, một liên minh bao gồm Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7), Liên minh châu Âu và Australia đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga.
Quy định mức giá trần được đưa ra nhằm hạn chế nguồn lợi nhuận của Nga, đồng thời vẫn cho phép các nguồn cung từ nước này đến với các thị trường năng lượng.
Kể từ khi mức giá trần được áp dụng, doanh thu của Nga đã sụt giảm.
Cùng ngày 23/2, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Nga, nhằm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức nhân cột mốc 2 năm xung đột Nga-Ukraine.
Trước đó, ngày 22/2, Anh đã công bố hơn 50 biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Anh, những biện pháp trừng phạt nói trên nhắm vào 14 thực thể và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất đạn dược và vũ khí như hệ thống phóng rocket, tên lửa và các loại chất nổ.
Trong danh sách này có nhà máy sản xuất vũ khí Sverdlov của Nga, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, 3 công ty của Trung Quốc và 2 thực thể ở Belarus.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào các công ty điện tử và nhà kinh doanh kim cương và dầu mỏ của Nga.
Cho đến nay, Anh đã áp đặt trừng phạt đối với tổng cộng 2.000 cá nhân, công ty và nhóm liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine./.
EU nhất trí về nguyên tắc gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga
Theo dự kiến, gói trừng phạt thứ 13 sẽ chính thức được phê duyệt vào thời điểm đánh dấu năm thứ 2 xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngày 24/2 tới.