Mỹ lên phương án dự phòng nếu đàm phán hạt nhân Iran thất bại

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ vẫn đang theo đuổi các chính sách ngoại giao với Iran vì đây vẫn là sự lựa chọn tốt nhất song cũng thảo luận với các đồng minh về những phương án thay thế.
Mỹ lên phương án dự phòng nếu đàm phán hạt nhân Iran thất bại ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại trường Đại học Indonesia ở Jakarta, ngày 14/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/12 cho biết Washington đang cùng các đồng minh lên kế hoạch cho “phương án thay thế,” trong trường hợp những nỗ lực đàm phán với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” (JCPOA) không đạt kết quả.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Indonesia nhân chuyến công du tới nước này, ông Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn tiếp tục tới giờ này, ngày này, theo đuổi các chính sách ngoại giao (với Iran) vì đây vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tích cực bàn thảo với các đồng minh và đối tác về những phương án thay thế."

Để giải thích thêm về phát biểu của mình, Ngoại trưởng Blinken đã dẫn tuyên bố mới đây các nước châu Âu tham gia đàm phán, nhấn mạnh rằng "thời gian không còn nhiều và Iran vẫn chưa thực sự tham gia các cuộc đàm phán.”

Ông Blinken nêu rõ: “Nếu không có được những tiến bộ nhanh chóng, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ chỉ là vỏ ốc rỗng.”

Nhận định của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Iran chỉ trích các nước phương Tây chưa đủ nỗ lực để thúc đẩy hiệu quả của các cuộc đàm phán.

[Iran chỉ chấp nhận thỏa thuận hạt nhân đã ký với các nước năm 2015]

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cho rằng các biện pháp ngoại giao thực chất và hai chiều chưa được các nước phương Tây đẩy mạnh, mặc dù Tehran đã rất nỗ lực để thu hẹp khoảng cách với các bên tham gia đàm phán.

Theo JCPOA được Iran và các nước P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký kết năm 2015, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.

Trong vòng đàm phán mới này, yêu cầu hàng đầu của phía Iran là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này, trong khi phía Mỹ muốn thấy Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận trước tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục